Lựa chọn phát triển bền vững đã không còn là chuyện của những doanh nghiệp lớn.
Làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư khiến cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đứng trước những thách thức chưa từng có. Đây là lúc doanh nghiệp cần sự “chuyển mình” trong tư duy và cách thức kinh doanh.
Bước sang năm thứ sáu thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), với nòng cốt là Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) tiếp tục phối hợp Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức Chương trình Đánh giá, công bố Doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam (Chương trình CSI), cộng đồng doanh nghiệp đã không còn lạ lẫm với bộ tiêu chí được sử dụng làm căn cứ đánh giá mức độ phát triển bền vững của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, Bộ chỉ số của năm 2021 đã gây bất ngờ khi có sự thay đổi trong tiêu chí xét chọn. Theo đó, các doanh nghiệp tham gia Chương trình sẽ khai thông tin với 119 chỉ số ở bốn lĩnh vực: Kết quả phát triển bền vững, Quản trị; Môi trường và Lao động – Xã hội.
Tuy nhiên, dấu ấn quan trọng nhất của CSI 2021 chính là ở sự phân cấp các chỉ số thành ba cấp độ dành cho các quy mô doanh nghiệp khác nhau. 53 chỉ số ký hiệu M dành chung cho tất cả loại hình doanh nghiệp và là các chỉ số tối thiểu dành cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. 28 chỉ số ký hiệu C (chỉ số cơ bản) dành cho doanh nghiệp vừa và lớn, 38 chỉ số ký hiệu A (chỉ số nâng cao) thể hiện việc doanh nghiệp, ngoài tuân thủ pháp luật còn xây dựng được một hệ sinh thái kinh doanh lành mạnh, bảo đảm các lợi ích kinh doanh bền vững cho đối tác và các bên liên quan khác. Như vậy, muốn nhập cuộc, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ cần bảo đảm việc triển khai đầy đủ các nội dung của chỉ số M, và tùy theo tình hình thực tế sản xuất – kinh doanh, có thể khai thêm thông tin theo các chỉ số C và A để nhận thêm điểm thưởng từ Ban tổ chức. Tương tự, doanh nghiệp vừa và lớn cần bảo đảm khai đủ thông tin theo các chỉ số M và C và có thể khai thêm thông tin theo các chỉ số A…
Thông qua việc phân cấp các chỉ số của Bộ chỉ số CSI 2021 theo các quy mô doanh nghiệp khác nhau, một lần nữa, Ban Tổ chức muốn nhấn mạnh và truyền tải đi thông điệp “phát triển bền vững không phải là chuyện xa vời, to lớn chỉ dành cho các doanh nghiệp lớn, mà rất thiết thực và có thể được hữu hình thông qua việc thực hiện tốt các quy định pháp luật. Phát triển bền vững hoàn toàn có thể được thực hiện ở tất cả các cấp độ doanh nghiệp. Điều này đặc biệt hữu ích cho các doanh nghiệp trong nước, vốn có đến hơn 95% là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Giờ đây, thay vì mất nhiều công sức tự mày mò nghiên cứu “ma trận” thông tin, doanh nghiệp có thể hình dung ra lộ trình thực hiện phát triển bền vững theo quy mô từ nhỏ đến lớn, từ đó tự xây dựng được chiến lược, kế hoạch kinh doanh phù hợp với năng lực hiện tại và định hướng tương lai. Điều này giúp doanh nghiệp tiết kiệm được rất nhiều thời gian và nguồn lực trong quản trị doanh nghiệp theo định hướng phát triển bền vững. Theo cách đó, tinh thần và văn hóa phát triển bền vững đã được lan tỏa mạnh mẽ hơn, đến với cả những đối tượng doanh nghiệp từng có lúc cảm thấy “bị lọt khỏi tấm lưới” hỗ trợ phát triển.
Điểm mới của Chương trình CSI 2021 còn nằm ở hai giải thưởng phụ về “Bình đẳng giới tại nơi làm việc” và “Quyền trẻ em trong kinh doanh”. Đây đều là những nội dung mà cộng đồng doanh nghiệp thế giới rất quan tâm, thể hiện tầm nhìn “Không để ai bị bỏ lại phía sau” trong văn hóa doanh nghiệp kinh doanh bền vững. Bởi doanh nghiệp có thể đóng góp cho việc cải thiện cuộc sống của trẻ em thông qua những chính sách và thực hành kinh doanh có trách nhiệm của mình, đóng góp cho sự phát triển bền vững. Tôn trọng quyền của trẻ em như một phần chương trình bền vững của doanh nghiệp sẽ giúp xây dựng cộng đồng vững mạnh hơn, là yếu tố thiết yếu tạo dựng môi trường kinh doanh hiệu quả, hòa nhập và ổn định.
Còn về cải thiện bình đẳng giới (BĐG) tại nơi làm việc, đây là yếu tố đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế, năng suất lao động, thu hút và giữ chân nhân tài, những yếu tố then chốt đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Giải thưởng là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận gần hơn với các tiêu chuẩn quốc tế về bình đẳng giới, hướng đến xây dựng môi trường làm việc bình đẳng, đa dạng và bền vững.
Bên cạnh những nội dung trên, VBCSD đã, đang và sẽ tập trung nhiều nguồn lực để thúc đẩy doanh nghiệp triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bởi đây không chỉ là mô hình ưu việt đang được cộng đồng doanh nghiệp quốc tế theo đuổi mà còn là một định hướng quan trọng đã được đưa vào các chính sách phát triển kinh tế gần đây của Chính phủ. VCCI cũng sẽ nghiên cứu để mở rộng thêm giải thưởng phụ về kinh tế tuần hoàn trong khuôn khổ Chương trình CSI của các năm tới đây.
Phát triển bền vững là mục tiêu phấn đấu chung của toàn cầu với 17 nhóm mục tiêu, trong đó có 169 chỉ tiêu cụ thể. Việt Nam đã có kế hoạch hành động quốc gia, lồng ghép 17 mục tiêu quốc tế và chọn ra các mục tiêu cụ thể của Việt Nam để đưa vào các văn kiện của Đảng, các bộ luật, các nghị quyết phát triển kinh tế – xã hội của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Việt Nam đã về đích sớm trong việc thực hiện một số chỉ số phát triển bền vững của Liên hợp quốc và đạt thứ hạng tương đối cao trong khu vực (chỉ đứng sau Thái-lan).
Nhìn dài hạn, để đạt được các mục tiêu đề ra trong mười năm tới chúng ta vẫn còn rất nhiều thách thức lớn. Tuy có nhiều tiến bộ, nhưng sức lan tỏa của phát triển bền vững ở nước ta còn chưa cao. Chúng ta hiện có khoảng 800.000 doanh nghiệp, nhưng cũng mới có khoảng 2.000 doanh nghiệp (chiếm hơn 2%) là thành viên của cộng đồng doanh nghiệp phát triển bền vững ở Việt Nam, và mới có khoảng 100.000 doanh nghiệp (gần 15%) tiếp cận được các thông tin về phát triển bền vững. Vậy nên, CSI sẽ phải là công cụ để giúp cho cộng đồng doanh nghiệp kiên định với mục tiêu phát triển bền vững, phải làm sao để các doanh nghiệp lan tỏa và giúp nhau đi đến cùng trên con đường này.
Thực tiễn hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp cũng cho thấy, những doanh nghiệp nào xây dựng được cho mình mô hình quản trị theo hướng phát triển bền vững sẽ có khả năng chống chịu cao hơn, kiên cường hơn, thậm chí có doanh nghiệp không chỉ trụ vững mà còn tìm ra cơ hội để bứt phá, vượt lên. CSI đã không “đóng khung” mình sau sáu mùa bình chọn và sự thay đổi sẽ còn tiếp tục. Bởi tầm nhìn “Không để ai bị bỏ lại phía sau” sẽ còn mang đến những thay đổi quan trọng khác nữa trong lối tư duy chiến lược của cộng đồng doanh nghiệp.
Nguồn: Diễn đàn doanh nghiệp