Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Việt Nam – vương quốc Anh (UKVFTA)… có hiệu lực đã đem đến cho các DN nói chung, DN dệt may nói riêng những cơ hội mở rộng thị trường, tăng sức cạnh tranh. Tuy nhiên, tác động của EVFTA có hiệu quả với hàng may mặt về lâu dài, bởi quá trình giảm thuế diễn ra theo lộ trình từ 5-7 năm. Sau thời gian này, 100% các mặt hàng sẽ được giảm thuế nhập khẩu về 0%…
Công nhân Công ty TNHH LT Garments gia công quần áo xuất khẩu. |
CƠ HỘI ĐỂ VÀO THỊ TRƯỜNG CAO CẤP
Xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam sang EU bắt đầu được cải thiện từ tháng 8/2020, một phần do tác động tích cực từ Hiệp định EVFTA và các DN EU cũng tăng cường đa dạng hóa thị trường.
Ông Nguyễn Văn Quý, Phó Giám đốc Công ty CP May Vũng Tàu cho biết, năm 2020 đến nay dịch COVID-19 xảy ra trên toàn thế giới đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Từ quý III/2020, hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi 50% nhờ những chuyển biến tích cực từ việc kiểm soát dịch COVID-19 ở những thị trường truyền thống và đến quý IV đã trở lại bình thường. Riêng 5 tháng đầu năm 2021, công ty đã đạt 50% kế hoạch đề ra sang các nước thuộc Liên minh châu Âu, Anh, Australia, New Zealand… Hiện, công ty đã có đơn hàng đến tháng 9. “Trong số các đơn hàng, lượng hàng đến các nước châu Âu tăng 60% so với trước đây. Có được kết quả này một phần do dịch COVID-19 tại các nước này cơ bản được kiểm soát, một phần do tác động tích cực từ Hiệp định EVFTA, UKVFTA”, ông Quý cho biết.
Tương tự, Công ty TNHH Mei Sheng Textiles Việt Nam (CCN Ngãi Giao, thị trấn Ngãi Giao, huyện Châu Đức) cũng đang hối hả sản xuất để kịp các hợp đồng cho các thị trường khác như Singapore, Chile, Malaysia, Mỹ, Anh… Theo lãnh đạo Mei Sheng Textiles Việt Nam, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhưng nhờ nhanh chóng nắm bắt thị trường, đến nay, DN đã có đơn hàng đến hết năm 2021. DN cũng tận dụng các ưu đãi thuế quan từ các hiệp định để tăng lợi nhuận của các đơn hàng.
Theo đánh giá của Sở Công thương, Hiệp định EVFTA mở ra cơ hội để hàng hóa của tỉnh hội nhập vào thị trường cao cấp. Và bằng chứng là hàng hóa xuất khẩu thế mạnh của tỉnh như: dệt may, giày dép, thủy hải sản, cao su, máy móc… đã dần có chỗ đứng và khả năng cạnh tranh trên nhiều thị trường có yêu cầu cao về chất lượng, trong đó có EU. Trong số các ngành hàng, sự tăng trưởng về tỷ trọng, kim ngạch hàng dệt may ở thị trường này năm sau luôn cao hơn năm trước. Hiện nay, hàng hóa của các DN xuất khẩu trong tỉnh đi các nước châu Âu nói chung tăng mạnh cả về tỷ trọng lẫn kim ngạch xuất khẩu.
NHƯNG VẪN CHƯA NHƯ KỲ VỌNG
Lý giải nguyên nhân khiến hàng dệt may vẫn chưa được hưởng ưu đãi thuế quan như kỳ vọng khi xuất khẩu vào các thị trường châu Âu, ông Nguyễn Văn Quý, Phó Giám đốc Công ty CP May Vũng Tàu cho biết, Hiệp định EVFTA có hiệu lực sẽ giúp DN được hưởng ưu đãi thuế quan, từ đó giảm chi phí đầu vào, nâng cao được sức cạnh tranh và có thể mở rộng thị trường. Tuy nhiên, theo các quy định của EVFTA, thị trường EU đánh giá cao những DN có truy xuất nguồn gốc từ thị trường này, vì vậy các DN phải đáp ứng được các tiêu chuẩn về xuất xứ sản phẩm. Ví dụ một cái áo sơ mi muốn xuất sang EU yêu cầu vải phải được dệt tại Việt Nam từ sợi, trong khi các DN Việt Nam hiện chủ yếu gia công cho nước ngoài, nhập vải từ Trung Quốc về nên khó đáp ứng tiêu chuẩn này. Tuy nhiên, các DN dệt may Việt Nam có thể giải bài toán nguyên liệu này để chứng minh quy tắc xuất xứ bằng cách nhập vải từ 28 nước Liên minh châu Âu về sau đó may thành phẩm và xuất khẩu ngược trở lại EU sẽ được coi là sản phẩm có xuất xứ Việt Nam, bởi đó là chuỗi liên kết nội khối; hoặc DN có thể nhập vải từ Hàn Quốc sau đó may quần áo xuất đi EU cũng được coi là vải của Việt Nam và được hưởng thuế suất 0%, vì Hàn Quốc và EU cũng có hiệp định FTA. Những DN chuẩn bị tốt có tiềm lực có khả năng tận dụng lợi thế này.
Bà Vũ Bích Hảo, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, bên cạnh những cơ hội, thuận lợi các hiệp định thương mại tự do mang lại các thách thức cũng luôn đi kèm. Vì vậy, một trong những việc các DN BR-VT, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ phải làm ngay đó là cần chủ động nghiên cứu thông tin để có sự chuẩn bị tích cực, sau đó đầu tư nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm hàng hóa nhằm củng cố tính cạnh tranh của sản phẩm tại thị trường. “Thời gian tới, Sở Công thương sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực thi nhằm bảo đảm tận dụng tối đa cơ hội mang lại từ Hiệp định này, đem lại lợi ích cho người dân và DN. Chúng tôi tiếp tục triển khai Đề án hỗ trợ DN thực hiện Hiệp định CPTPP và các Hiệp định thương mại tự do khác, trọng tâm là các giải pháp nhằm hỗ trợ DN thích ứng và ứng phó với những thuận lợi cũng như bất lợi mà các FTA thế hệ mới mang lại”, bà Vũ Bích Hảo nhấn mạnh.
Nguồn: Báo Bà Rịa – Vũng Tàu