Ngày 12/2, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, Chính phủ sẽ trình Đề án bổ sung về phát triển kinh tế – xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên, tạo tiền đề cho tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn tới. Để thực hiện thành công mục tiêu này rất cần sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn.
![]() |
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị của Thường trực Chính phủ gặp gỡ doanh nghiệp ngày 10/2/2025. Ảnh: Nhật Bắc |
Đây cũng là tinh thần được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh tại cuộc gặp ngày 10/2 của Thường trực Chính phủ với doanh nghiệp về nhiệm vụ, giải pháp để doanh nghiệp tư nhân tăng tốc, bứt phá, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới.
Doanh nhân sẵn sàng tham gia gánh vác những việc lớn của đất nước
Tại cuộc gặp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, Trung ương đã ban hành Kết luận 123 với yêu cầu tăng trưởng GDP ít nhất 8% năm 2025 để tạo đà, tạo lực, tạo khí thế cho những năm tiếp theo phải đạt tăng trưởng 2 con số. Để thực hiện điều này rất cần sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn.
Bình dân hóa trí tuệ nhân tạo
Trong lĩnh vực khoa học công nghệ, ông Trương Gia Bình – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT, Trưởng ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân đề nghị, để không bỏ lỡ cơ hội phát triển thì cần phải giải phóng tiềm lực khoa học công nghệ, đặc biệt là trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Ông mạnh dạn đề xuất phải “bình dân AI vụ”, “bình dân hóa trí tuệ nhân tạo”, để ngay cả các công ty nhỏ và vừa cũng có thể tham gia và ứng dụng được. |
Hiện nay, nước ta đang triển khai quyết liệt một số dự án rất lớn như đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, 3 tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn kết nối với Trung Quốc, nhà máy điện hạt nhân; tập trung phát triển đột phá khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; đẩy mạnh khai thác các không gian phát triển mới như không gian ngầm, không gian biển, không gian vũ trụ; thúc đẩy tăng trưởng GDP; tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế; tinh gọn bộ máy hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả…
Trong các việc lớn này của đất nước, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các doanh nghiệp xem có thể làm được gì thì đăng ký làm và đề xuất cơ chế chính sách để làm, miễn là không tư lợi, phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Ví dụ như vừa qua, Tập đoàn Trường Hải (THACO) được đề nghị nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất toa tàu và tiến tới sản xuất đầu máy cho đường sắt tốc độ cao; Tập đoàn Hòa Phát làm ray đường sắt tốc độ cao; Tập đoàn FPT tập trung đào tạo nhân lực chất lượng cao, thiết kế chip bán dẫn…
Phát biểu tại hội nghị, các doanh nghiệp đều bày tỏ niềm tin, sự phấn khởi trước vận hội mới của đất nước, đồng thời thể hiện sự sẵn sàng đồng lòng, dốc sức để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên mà Việt Nam sẽ là một quốc gia phồn thịnh, đứng vào hàng ngũ các nước mạnh trên thế giới.
Theo ông Trần Bá Dương – Chủ tịch HĐQT THACO, với những nền tảng nhất định trong các ngành sản xuất kinh doanh, THACO đang nỗ lực đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng ít nhất 8% của cả nước trong năm 2025 và tiến tới hai con số trong những năm tiếp theo.
Với định hướng, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, THACO sẽ tập trung tham gia vào làm đường sắt đô thị, đặc biệt là các toa tàu, các cấu kiện thép. Lãnh đạo THACO cam kết sẽ có sự chuyển giao công nghệ hợp lý, tổ chức sản xuất tại chỗ nhằm giảm giá thành. Đồng thời, sẽ giúp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi sản xuất, cũng như liên kết để đặt hàng thép chế tạo theo đúng tiêu chuẩn của sản phẩm. “Chúng tôi sẽ cố gắng vừa làm tốt, không tiêu cực và cũng không lãng phí để đẩy nhanh việc phát triển hạ tầng cùng khai thác các quỹ đất” – ông Trần Bá Dương cho hay.
Doanh nghiệp cần cam kết, cơ chế đặt hàng cụ thể
Ông Trần Đình Long – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát cũng khẳng định, sẽ đảm bảo cung cấp thép chế tạo cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam để làm các dự án đường sắt. Theo dự kiến, cần khoảng 10 triệu tấn thép, Hòa Phát cam kết đảm bảo số lượng 10 triệu tấn, chất lượng, tiến độ giao hàng và giá thấp hơn giá nhập khẩu.
Thời gian tới, Hòa Phát có thể đầu tư nhà máy sản xuất ray, đầu tư 10 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, đây là một sản phẩm rất đặc thù, chỉ có thể sử dụng cho dự án. Do đó, lãnh đạo Hòa Phát đề nghị có một văn bản như một nghị quyết để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư và sản xuất sản phẩm phục vụ dự án.
Cùng quan điểm này, ông Hồ Minh Hoàng – Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả cho rằng, doanh nghiệp cần sự nối kết của Chính phủ khi cùng chung tay hợp tác, cần cụ thể việc đặt hàng cho doanh nghiệp tư nhân tham gia vào các dự án trọng điểm chiến lược như đường sắt tốc độ cao, metro…
Khẳng định sẵn sàng đảm nhận những dự án lớn sắp tới của đất nước, ông Hồ Minh Hoàng cho biết, tập đoàn đặc biệt chú trọng phát triển, nâng cấp nguồn nhân lực; chủ động đào tạo nhiều cấp bậc, đa lĩnh vực cho toàn hệ thống, hoạch định và đầu tư cho nguồn nhân lực kế cận, hợp tác chặt chẽ với các đơn vị đào tạo trong nước và quốc tế.
Để đáp ứng nhu cầu phát triển mạnh mẽ tới đây, đại diện nhiều doanh nghiệp cũng kiến nghị tháo gỡ các vướng mắc trong lĩnh vực năng lượng. Chủ tịch KN Holdings Lê Văn Kiểm đề xuất Chính phủ sớm thông qua Quy hoạch điện VIII điều chỉnh, cũng như thông qua Kế hoạch triển khai các nguồn năng lượng tái tạo giai đoạn đến năm 2030; sớm hoàn thiện khung pháp lý về cơ chế mua bán điện trực tiếp…
“Tập đoàn sẵn sàng tham gia các chương trình thí điểm do Chính phủ đề ra trong các lĩnh vực mà Tập đoàn đang đầu tư và phát triển. Chúng tôi nguyện đồng hành cùng Chính phủ để phát triển một nền kinh tế mạnh, bền vững và hội nhập quốc tế” – ông Lê Văn Kiểm khẳng định.
ÔNG NGUYỄN VIỆT QUANG – TỔNG GIÁM ĐỐC TẬP ĐOÀN VINGROUP: Cam kết tiên phong thúc đẩy sự đổi mới và phát triển bền vững của đất nước
Với nhận thức doanh nghiệp tư nhân là động lực của nền kinh tế, những năm qua Vingroup đã không ngừng nỗ lực đầu tư mạnh mẽ vào các lĩnh vực mang tính chiến lược như hạ tầng năng lượng, kinh tế xanh, kinh tế số, công nghiệp hỗ trợ nhằm góp phần hiện thực hóa tầm nhìn phát triển bền vững, điển hình như dự án VinFast. Chúng tôi tin rằng, có cơ chế khuyến khích hợp lý, làn sóng tiêu dùng xanh sẽ lan tỏa nhanh chóng góp phần hiện thực cam kết phát thải của quốc gia. Trong công cuộc hiện đại hóa đất nước, chuyển đổi phương tiện gây ô nhiễm, phát triển công nghệ số đòi hỏi phải phát triển năng lượng, tôi xin đề xuất cần có cơ chế chính sách thông thoáng hơn để mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia kinh doanh điện, góp phần đảm bảo đủ sản lượng, giảm giá thành điện. Trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế ngày càng khốc liệt, Vingroup cam kết đóng vai trò là một trong những doanh nghiệp tiên phong thúc đẩy sự đổi mới và phát triển bền vững của đất nước. Chúng tôi tin rằng, với sự đồng hành và hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ban ngành, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam có cơ hội vươn xa, góp phần xây dựng một nền kinh tế thịnh vượng xanh và bền vững. ÔNG NGUYỄN TRUNG CHÍNH – CHỦ TỊCH HĐQT TẬP ĐOÀN CÔNG NGHỆ CMC: Nghị quyết 57 sẽ giúp đất nước vươn mình mạnh mẽ
Chúng ta đang nghiên cứu khoa học công nghệ nhưng chữ khoa học không gắn với công nghệ và chữ công nghệ không gắn với thị trường, doanh nghiệp. Vì vậy, tôi mong chờ khi sát nhập Bộ Khoa học & Công nghệ và Bộ Thông tin & Truyền thông thì sẽ khắc phục điểm nghẽn này. Đặc biệt, với việc triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, tôi tin tưởng đất nước sẽ vươn mình phát triển mạnh mẽ hơn. Hiện nay, Tập đoàn CMC đang nhận 2 nhiệm vụ quốc gia, trong đó có nhiệm vụ xây dựng hạ tầng điện toán đám mây không chỉ đứng đầu Việt Nam mà còn cả khu vực. Nhiệm vụ thứ 2 là xây dựng C.OpenAI, xây dựng Core AI của người Việt, bằng trí tuệ của người Việt và sử dụng cho người Việt. Để hoàn thành nhiệm vụ, chúng tôi có 3 kiến nghị. Một là, Nhà nước hoàn thiện thể chế, giao bộ, ngành, địa phương “KPI” cam kết thời gian giải quyết thực thi cho doanh nghiệp. Hai là được hỗ trợ về nguồn vốn với chính sách cho vay ưu đãi để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Ba là hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc quy định về đất đai để triển khai đào tạo nguồn lực. ÔNG HỒ MINH HOÀNG – CHỦ TỊCH TẬP ĐOÀN ĐÈO CẢ: Đánh giá nghiêm túc các dự án tư nhân để chọn doanh nghiệp tốt
Để doanh nghiệp tư nhân tăng tốc, bứt phá, góp phần phần triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới, Tập đoàn Đèo Cả đưa ra một số kiến nghị, giải pháp. Một là, tạo niềm tin để doanh nghiệp kiên định đồng hành cùng đất nước. Muốn vậy, cần giải quyết các bất cập từ thể chế chính sách đã tồn tại nhiều năm không được giải quyết, xử lý triệt để đối với các dự án bị đình trệ, gây lãng phí. Hai là, xác định giá trị mà doanh nghiệp tư nhân đóng góp cho đất nước thông qua các dự án đầu tư PPP. Cần đánh giá nghiêm túc các dự án của tư nhân đầu tư về giá trị đầu tư, chất lượng, tiến độ thi công, chi phí… so với các dự án của khối nhà nước và để chọn lọc các doanh nghiệp làm tốt, tạo điều kiện để trở thành các con chim đầu đàn của ngành nhằm tạo điều kiện để dìu dắt các doanh nghiệp khác cùng phát triển. Ba là, tạo điều kiện để doanh nghiệp tư nhân xây dựng văn hóa trở thành “doanh nghiệp dân tộc”. Một doanh nghiệp dân tộc không chỉ đơn thuần là các tổ chức kinh doanh trong nước mà còn mang sứ mệnh lớn hơn là phát triển kinh tế gắn với bảo vệ lợi ích quốc gia, giữ gìn bản sắc dân tộc và nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế. Bốn là, đồng hành để doanh nghiệp tư nhân trong nước hòa nhập quốc tế; tạo điều kiện để doanh nghiệp trong nước học tập mô hình từ các quốc gia tiên tiến nhằm nâng cao năng lực thiết kế, thi công, quản lý và vận hành dự án. Năm là, tiếp tục kiến tạo cơ chế để Đảng viên và tổ chức Đảng thực sự đóng vai trò nòng cốt trong xây dựng và phát triển doanh nghiệp tư nhân. |