Nghị quyết số 128/NQ-CP cùng với các chương trình nghị sự, hội thảo nhằm tìm ra hướng đi mới cho ngành du lịch trong bối cảnh thị trường và khách trong giai đoạn sau đại dịch Covid 19 lần 4 đang làm đem lại niềm hi vọng cho ngành du lịch sau 2 năm “bất động”.
Du lịch lao đao vì Covid 19
Cùng với ngành du lịch thế giới lao đao, ngành du lịch Việt Nam trong 2 năm gần đây cũng trầm lắng. Đang trong đà tăng tốc đầy khí thế của năm 2019, năm 2020, du lịch Việt Nam tưởng chừng như xuống đáy vì Covid khi mất 80% lượng du khách quốc tế; khách nội địa giảm 50%; ngành thiệt hại 530.000 tỷ đồng… Nhưng đó mới chỉ là bắt đầu cho giai đoạn suy thoái tiếp theo khi liên tiếp các đợt dịch Covid-19 bùng phát trong năm 2021 khiến cho những người làm du lịch trở tay không kịp, các đợt kích cầu liên tiếp được khởi động và phải dừng lại, toàn ngành rơi vào trạng thái “đóng băng”. Số liệu khách du lịch nội địa 10 tháng đầu năm đạt khoảng 32,3 triệu lượt (chỉ bằng 44,7% so với cùng kỳ năm 2019), trong đó, khách lưu trú chỉ đạt 16,2 triệu lượt (bằng 44% so với năm 2019). Kết quả khảo sát của Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) mới đây cho thấy, có đến 18% doanh nghiệp đã cho toàn bộ nhân viên nghỉ việc; 48% doanh nghiệp cho 50 – 80% nhân viên nghỉ việc và 75% doanh nghiệp có các hình thức hỗ trợ tài chính khác nhau đối với lao động mất việc.
Không thể chờ cho dịch kết thúc, du lịch trong bối cảnh mới, tương thích nhằm cứu vãn ngành kinh tế du lịch trở thành trăn trở của các nhà quản lý, chuyên gia và người làm du lịch. Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 đã trở thành hành động. Việt Nam đã chính thức đón những vị khách quốc tế đầu tiên đến Việt Nam sau gần hai năm đóng cửa.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh: “Lâu lắm rồi, chúng tôi mới thấy được cảm giác phấn khích trong ngành du lịch”. Điều này không chỉ tạo ra niềm vui được lần đầu tiên đón khách quốc tế, được cảm giác bình thường trở lại cho các hoạt động du lịch mà còn là sự chuẩn bị một khí thế mới, để những người làm du lịch vững tâm tiến bước về phía trước, chuẩn bị tốt nhất cho sự phục hồi và tạo sức bật cho ngành kinh tế không khói.
Kịch bản nào cho ngành du lịch?
Vực dậy ngành du lịch trong bối cảnh mới là chủ để mà các nhà quản lý, chuyên gia và người làm du lịch quan tâm. Tại các diễn đàn về phục hồi và phát triển du lịch, các đại biểu đã nêu ra nhiều vấn đề như Việt Nam chuyển trạng thái ra sao? Chuẩn bị tư thế, nghiệp vụ, kiến thức để đổi như thế nào? Thế nào là bình thường mới?…
Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt, việc phục hồi và phát triển du lịch trong giai đoạn tới đặt ra 5 quan điểm, nguyên tắc chủ đạo, định hướng mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và lộ trình thực hiện gồm: Mở cửa, phục hồi du lịch gắn với phòng, chống dịch, quản trị rủi ro, khủng hoảng và thực hiện Nghị quyết 128. Theo đó, thúc đẩy, phục hồi tổng thể cả về phía cung và phía cầu của hoạt động du lịch; Coi cơ cấu lại ngành du lịch là nhiệm vụ trọng tâm, cần được tập trung triển khai đồng bộ để thúc đẩy nhanh quá trình phục hồi, tận dụng cơ hội và tạo đà bứt phá cho giai đoạn mới; Gắn nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của ngành, trước mắt thúc đẩy phát triển du lịch nội địa làm nội lực, nền tảng căn bản để phát triển du lịch bền vững.
Theo lộ trình thực hiện, việc phục hồi sẽ dự kiến chia thành hai giai đoạn kèm theo các nhiệm vụ, giải pháp ưu tiên. Giai đoạn thứ nhất mở lại du lịch nội địa và du lịch quốc tế (từ cuối năm 2021 đến nửa đầu năm 2022). Mở cửa và ổn định, bảo đảm an toàn điểm đến, thí điểm đón khách quốc tế trở lại, phục hồi hoạt động du lịch nội địa, hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp và chuẩn bị đầu tư công. Giai đoạn thứ hai phục hồi và phát triển đạt mức trước dịch Covid-19 (từ nửa cuối năm 2022, có thể kéo dài 1 đến 2 năm): Hỗ trợ doanh nghiệp, thực hiện dự án đầu tư công và đầu tư xã hội để tạo động lực tăng trưởng trung và dài hạn cho ngành.
Theo ông Phạm Tiến Dũng, Phó chủ tịch CLB lữ hành UNESCO Hà Nội, các địa phương, doanh nghiệp muốn làm tốt du lịch cần nghiên cứu sâu hơn, làm mới những hoạt động của mình cho phù hợp với du lịch trong bối cảnh mới .
“Trong bối cảnh mới đặt vấn đề an toàn lên hàng đầu, trong đó cần chú ý an toàn cho khách, từ người làm, cộng đồng dân cư cho đến những giải pháp bảo đảm an toàn cho du khách v.v. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp du lịch cần hiểu rõ hơn về khách hàng khi thị hiếu của họ giờ đây đã thay đổi hoàn toàn cách đi du lịch. Thay vì đi theo đoàn lớn, họ thích đi theo nhóm nhỏ, theo gia đình, tour khép kín an toàn. Du lịch MICE, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, sản phẩm ẩm thực cần được chú ý hơn. Vì vậy các sản phẩm du lịch của doanh nghiệp cũng cần phải đổi mới theo hướng công nghệ và an toàn.”- Ông Dũng chia sẻ.
Bên cạnh chiến lược, tầm nhìn, giải pháp phục hồi, phát triển du lịch trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo, cần khẩn trương số hóa nguồn tài nguyên về du lịch; đồng thời để phục hồi phát triển du lịch thì điều quan trọng là cần tổ chức thực hiện tốt, hiệu quả.
“Không nên quá nóng vội mà cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, từng bước như thí điểm ở Phú Quốc (Kiên Giang), Khánh Hòa, Quảng Nam hiện nay. Việc mở ra đóng vào còn nguy hiểm hơn là chuẩn bị và mở một cách chắc chắn. Trong thời gian tới, cùng với việc ưu tiên đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine Covid-19 mũi 3 cho toàn dân, đề phòng mối đe dọa từ chủng mới Omicron, ngành du lịch cần tự đổi mới mình, để sẵn sàng đón khách”- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Cần có sự hỗ trợ, đào tạo để không đứt gãy lao động trong ngành du lịch Ông Nguyễn Quốc Kỳ – Chủ tịch HĐQT công ty Du lịch Viettravel Thống kê cả nước có khoảng 4,9 triệu lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch, chưa kể những nhân công ở những mảng có liên quan. Song, vừa qua do dịch Covid-19 khiến lực lượng này bị thu hẹp lại và có xu hướng dịch chuyển sang các ngành nghề khác. Vì thế, để hoạt động du lịch sớm được “hồi sinh”, một mặt các doanh nghiệp phải tìm cách giữ chân người lao động, mặt khác cần được Chính phủ tiếp sức về tài chính. Đồng thời có chính sách hỗ trợ người lao động thất nghiệp để họ không bỏ ngành. Vì vậy, đề nghị hỗ trợ doanh nghiệp với gói vay lãi suất 0% trả lương cho người lao động để duy trì nguồn nhân lực. Cần có chính sách hỗ trợ, đào tạo, tạo việc làm để không bị đứt gãy lao động trong ngành du lịch. Đây là yêu cầu có tính chất bắt buộc vì lực lượng lao động có tính đặc thù và chuyên biệt, được đào tạo và cấp thẻ hành nghề. Định vị lại, đầu tư tương xứng cho công tác quảng bá Việt Nam cần định vị lại vị thế và thế mạnh du lịch của mình, bao gồm các lĩnh vực: Văn hóa, lịch sử; du lịch thiên nhiên, du lịch nghỉ dưỡng; du lịch thể thao và các lĩnh vực khác phù hợp thị hiếu và đặc điểm của các thị trường khách du lịch mục tiêu cũng như xác định cụ thể phạm vi và quy mô, thực hiện chiến lược phát triển phù hợp với thị trường tiềm năng. Bên cạnh đó, Việt Nam cần có chiến lược quảng bá hình ảnh điểm đến Việt Nam ra thế giới theo kịp với các xu thế công nghệ hiện nay. Cần có sự đầu tư tương xứng để ngành du lịch tăng cường quảng bá nhận thức tại các thị trường mục tiêu, nhằm tạo ra nhu cầu du lịch để giúp các doanh nghiệp bán được sản phẩm của họ đến khách hàng. Cuối cùng, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp và để phát triển cần có sự đồng bộ hóa về hạ tầng kỹ thuật, chính sách phát triển du lịch và các ngành nghề liên quan, đặc biệt là ngành dịch vụ và các ngành kinh tế bổ trợ. Đề nghị Chính phủ, các bộ ngành có các chính sách hỗ trợ, ưu đãi phát triển du lịch để huy động tổng hợp các nguồn lực cả đầu tư công, đầu tư tư nhân để phát triển du lịch. |
Nguồn: Vietnam Business Forum