Môi trường thuận lợi cho kinh tế tư nhân

VCCI cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách đồng bộ, nhất quán, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân.

Chia sẻ với DĐDN, ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết: Góp ý cho Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân, VCCI cho rằng Việt Nam cần trong nhóm dẫn đầu khu vực về sự thuận lợi của môi trường kinh doanh để khu vực kinh tế tư nhân phát triển.

– Xin ông cho biết vai trò của kinh tế tư nhân trong phát triển kinh tế hiện nay?

Sau 4 năm thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam có sự phát triển mạnh cả về chất, lượng và quy mô.

Kinh tế tư nhân liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, chiếm tỷ trọng 42 – 43% GDP, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động của nền kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội…

Các doanh nghiệp tư nhân tham gia thành công vào những dự án đột phá về hạ tầng quan trọng về hạ tầng như đường cao tốc, hầm đường bộ lớn, sân bay quốc tế. Đặc biệt những dự án sản xuất ô tô quy mô lớn lần đầu tiên ở Việt Nam cũng do những doanh nghiệp tư nhân đảm nhận. Sự tham gia của tư nhân xuất hiện trong những lĩnh vực vốn được xem là “sân chơi” riêng của các doanh nghiệp nhà nước.

– Về mặt chính sách, khu vực kinh tế tư nhân có gặp khó khăn vướng mắc gì không, thưa ông?

Dù đã có một số lĩnh vực có chuyển biến quan trọng với sự tham gia của khu vực tư nhân như y tế, giáo dục, thể thao hay một số dịch vụ rất đặc thù như công chứng, đăng kiểm… nhưng hiện vẫn rất nhiều dịch vụ công đang do Nhà nước độc quyền. Nhiều dịch vụ công đang do các cơ quan nhà nước thực hiện trong quy trình gần như khép kín, nguy cơ gây ra tình trạng không minh bạch.

Khu vực tư nhân đang tạo ra 85% tổng số việc làm, đóng góp trên 42% GDP của nền kinh tế. Ảnh: M.P

Để “thoái sức” của bộ máy nhà nước ra khỏi lĩnh vực dịch vụ công không cần thiết, ưu tiên hàng đầu hiện nay là minh bạch hóa và phân định việc thực hiện công vụ của cơ quan công quyền và cung cấp dịch vụ công do các tổ chức cá nhân thực hiện để tránh chồng chéo, ngăn ngừa “xung đột lợi ích”.

Với sự tham gia của tư nhân, chất lượng quản trị và dịch vụ được nâng cao, tạo ra cạnh tranh giúp nâng cao chất lượng các dịch vụ công. Điều này đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và người dân được thụ hưởng các dịch vụ công có chất lượng cao, qua đó góp phần tăng sức cạnh tranh của ngành dịch vụ, doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam.

– Vậy, để tiếp tục thúc đẩy sự phát triển kinh tế tư nhân, ông có khuyến nghị gì?

Đại hội XIII của Đảng khẳng định, phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân cả về số lượng, chất lượng, hiệu quả “thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế”, đồng thời tiếp tục đặt ra yêu cầu hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích tạo thuận lợi phát triển kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế, khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu…

Hiện vẫn tồn tại nhiều rào cản cho sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam. Tháo gỡ các rào cản này chính là những giải pháp quan trọng thúc đẩy sự phát triển năng động, lành mạnh của khu vực kinh tế tư nhân. Các giải pháp từ thể chế đóng vai trò hết sức quan trọng, có thể kể đến như đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm nhũng nhiễu khi thực hiện thủ tục hành chính, tiếp tục cắt giảm các điều kiện kinh doanh, cải cách mạnh hơn nữa thủ tục kiểm tra chuyên ngành.

Việc điều tra Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI của VCCI nhiều năm cho thấy, chi phí không chính thức của Việt Nam đã giảm tích cực và bền vững nhưng dư địa thay đổi vẫn còn lớn. Cần đẩy mạnh rà soát các quy định pháp luật, tiếp tục tháo gỡ các chồng chéo, rào cản đang cản trở sự phát triển của doanh nghiệp.

– Xin cảm ơn ông!

Nguồn: Diễn đàn Doanh nghiệp

Liên quan bài viết

Bài tiếp

NÊN XEM