Phục hồi nhanh và bền vững

Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, phục hồi nhanh, phát triển bền vững trong bối cảnh “bình thường mới” là yêu cầu được Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt ra với cộng đồng doanh nghiệp tại VBF 2022.

VBF 2022 với chủ đề “Phục hồi kinh tế và phát triển chuỗi cung ứng trong bối cảnh bình thường mới” diễn ra trong bối cảnh, cộng đồng doanh nghiệp đang rất mong chờ những chỉ đạo mang tính chiến lược của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc “mở cửa” để phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh.

VBF 2022 với chủ đề “Phục hồi kinh tế và phát triển chuỗi cung ứng trong bối cảnh bình thường mới” thu hút sự quan tâm đông đảo của cộng đồng doanh nghiệp.

3 khâu đột phá chiến lược

Phát biểu tại Diễn đàn, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nhắc lại cách đây 5 tháng, cộng đồng doanh nghiệp đã hết sức lo lắng do những diễn biến phức tạp và tác động của dịch bệnh tới hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, Chính phủ, Thủ tướng đã có những chỉ đạo kịp thời, quyết liệt, hiệu quả, giúp doanh nghiệp và nền kinh tế vượt qua các khó khăn thách thức. Thủ tướng đã liên tục có các cuộc gặp gỡ, làm việc, đối thoại với doanh nghiệp, khảo sát thực tế, kiểm tra tại tâm dịch, lập các tổ công tác tháo gỡ khó khăn…

Đặc biệt, việc thực hiện thành công chiến lược vaccine, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước có tỉ lệ bao phủ vaccine cao nhất thế giới đã tạo sự yên tâm, tin tưởng cho doanh nghiệp trong nước và quốc tế trong đầu tư, kinh doanh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì VBF 2022.

Trước yêu cầu phục hồi nhanh, phát triển bền vững của giai đoạn hiện nay, Thủ tướng cho biết Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội với quy mô 350.000 tỷ đồng (khoảng trên 4% GDP) sẽ tập trung cho các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chính như mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh; đảm bảo an sinh xã hội, việc làm; hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng vào các dự án quan trọng, cấp thiết, có tính lan toả lớn; cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Xác định nguồn lực bên trong (gồm con người, tài nguyên thiên nhiên và truyền thống lịch sử văn hóa) là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định; nguồn lực bên ngoài (hỗ trợ về thể chế, tài chính, công nghệ, quản trị và trình độ nguồn nhân lực) là quan trọng và đột phá, Việt Nam đang tập trung cho 3 khâu đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực.

Cam kết đồng hành

Khi nói về những bất cập cụ thể cần Chính phủ tháo gỡ kịp thời, ông Kim Han Yong – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc (Kocham) phản ánh, vẫn còn có những bất cập trong truy thu ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối doanh nghiệp Hàn Quốc vào đầu tư tại khu công nghiệp Tiên Sơn và Khu công nghiệp Quế Võ mở rộng của tỉnh Bắc Ninh.

Ngoài ra, đại diện KoCham cũng phản ánh tình trạng, cơ quan thuế Việt Nam thanh tra và kiểm tra thuế quá mức gần đây đã khiến các nhà đầu tư Hàn Quốc nói riêng cũng như các nhà đầu tư nước ngoài nói chung quan ngại. Có trường hợp cơ quan thuế của Việt Nam đánh thuế sau những giao dịch mà 10 năm trước theo luật pháp không bị đánh thuế.

Đại diện cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công đã kiến nghị các giải pháp giúp phục hồi kinh tế.

Tuy nhiên, Chủ tịch Eurocham Alain Cany lại cho biết, các doanh nghiệp đã đưa ra những tín hiệu lạc quan và tự tin với môi trường đầu tư “bình thường mới” của Việt Nam, khi chỉ số môi trường kinh doanh của Eurocham đã tăng 42 điểm lên 61 điểm vào tháng 1/2022.

“Khi COVID-19 dần được kiểm soát, EVFTA đã có hiệu lực và EVIPA sẽ sớm được thực hiện, Việt Nam có cơ hội thu hút một làn sóng FDI mới từ các nhà đầu tư châu Âu đang tìm kiếm một môi trường đầu tư đầy tiềm năng, an toàn và cạnh tranh”, ông Alain Cany nhận định.

VBF 2020 thu hút sự tham dự của đông đảo cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia, hiệp hội.

Trước những phản ánh của các hiệp hội, Thủ tướng giao các bộ, ngành, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu, phản hồi và xử lý các ý kiến, kiến nghị xác đáng tại Diễn đàn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, giải quyết những tồn tại, hạn chế trong khâu thực thi, tháo gỡ các rào cản về thể chế, quy định pháp luật, hỗ trợ tốt hơn cho cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế, thúc đẩy phát triển và phục hồi chuỗi sản xuất.

Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp, hiệp hội tiếp tục đồng hành, hỗ trợ, giúp đỡ Việt Nam trong quá trình phục hồi nhanh, phát triển bền vững trên tinh thần “đồng cam cộng khổ”, “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.

Nguồn: Diễn đàn doanh nghiệp

Liên quan bài viết

Bài tiếp

NÊN XEM