Chính phủ yêu cầu trong Luật Giá (sửa đổi) phải xử lý hài hòa mối quan hệ giữa thị trường với quản lý Nhà nước, tránh việc can thiệp sâu của Nhà nước vào quy luật cung – cầu, quy luật cạnh tranh và quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp theo quy định pháp luật; nhưng cần có biện pháp, công cụ điều tiết phù hợp, kịp thời của Nhà nước khi cần, bảo đảm an sinh xã hội và ổn định kinh tế vĩ mô.
Đây là nội dung tại Nghị quyết số 111/NQ-CP ngày 30/8/2922 của Chính phủ về phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 8/2022.
Tại Nghị quyết này, Chính phủ thống nhất về sự cần thiết, mục tiêu, quan điểm xây dựng dự án Luật Giá (sửa đổi) nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về nguyên tắc quản lý giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, góp phần kiểm soát lạm phát mục tiêu, cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, ổn định kinh tế vĩ mô; đồng thời khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành pháp luật; đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Chính phủ ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của Bộ Tài chính trong quá trình nghiên cứu, xây dựng, tiếp thu, hoàn thiện dự án Luật này. Đây là dự án Luật khó do giá cả của hàng hóa, dịch vụ trong nền kinh tế thị trường, đặc biệt là đối với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, thường biến động nhanh, điều này sẽ tác động trực tiếp đến đời sống người dân và nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội của đất nước. Vì vậy, nhiều chính sách, vấn đề tại dự án Luật cần nghiên cứu, đánh giá tác động toàn diện trên nhiều yếu tố, bảo đảm đồng bộ, khả thi, hiệu quả.
Sửa Luật giá: Có giải pháp linh hoạt, kịp thời điều chỉnh các vấn đề phát sinh
Chính phủ thống nhất đối với nội dung cơ bản của dự án Luật, Bộ Tài chính rà soát, hoàn thiện dự án Luật này bám sát các nguyên tắc, quan điểm, yêu cầu sau:
– Đẩy mạnh phân công, phân cấp thẩm quyền trong hoạt động quản lý, điều hành, điều tiết giá theo thẩm quyền và nhiệm vụ được giao giữa Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương, giữa Bộ Tài chính với các bộ, ngành và địa phương để linh hoạt, hiệu quả, kịp thời trong tổ chức thực hiện, gắn với tự chịu trách nhiệm và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực.
– Khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập của Luật giá hiện hành; đồng thời tiếp tục kế thừa những quy định đang thực hiện ổn định, khả thi nhằm đơn giản hóa quy trình, thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người dân, linh hoạt, hiệu quả trong điều hành.
– Xử lý hài hòa mối quan hệ giữa thị trường với quản lý Nhà nước, tránh việc can thiệp sâu của Nhà nước vào quy luật cung – cầu, quy luật cạnh tranh và quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp theo quy định pháp luật; nhưng cần có biện pháp, công cụ điều tiết phù hợp, kịp thời của Nhà nước khi cần, bảo đảm an sinh xã hội và ổn định kinh tế vĩ mô.
– Có giải pháp linh hoạt trong điều hành để kịp thời điều chỉnh các vấn đề phát sinh, đáp ứng yêu cầu thực tiễn cuộc sống; đồng thời thiết kế công cụ nhằm ngăn chặn, xử lý nghiêm tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong quản lý giá.
Chỉ xem xét giao thẩm quyền định giá của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với một số hàng hóa, dịch vụ chiến lược, đặc biệt quan trọng
Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu tiếp thu tối đa ý kiến các Thành viên Chính phủ, chỉnh lý một số quy định của dự án Luật theo hướng sau đây:
Về thẩm quyền, trách nhiệm định giá, Luật này quy định thẩm quyền định giá hàng hóa, dịch vụ đối với (1) Bộ, cơ quan ngang Bộ, (2) Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; chỉ xem xét giao thẩm quyền định giá của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với một số hàng hóa, dịch vụ chiến lược, đặc biệt quan trọng, tác động đến kinh tế vĩ mô, đời sống người dân như giá điện. Bộ Tài chính tiếp tục rà soát kỹ lưỡng các Luật chuyên ngành liên quan, phối hợp với các bộ quản lý chuyên ngành đánh giá tác động toàn diện, hoàn thiện quy định về thẩm quyền định giá của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khi phân cấp cho bộ, địa phương, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Về thẩm quyền ban hành Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, tiếp tục nghiên cứu phương án quy định nguyên tắc, tiêu chí, quy trình trong Luật, bảo đảm tính minh bạch; giao Chính phủ ban hành Danh mục và quyết định điều chỉnh, bổ sung Danh mục để bảo đảm linh hoạt, kịp thời trong chỉ đạo điều hành kinh tế – xã hội theo cơ chế thị trường.
Rà soát kỹ lưỡng cơ sở pháp lý, thực tiễn hàng hóa, dịch vụ trong Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá
Về hàng hóa, dịch vụ trong Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, bao gồm cả hàng hóa, dịch vụ đề xuất bổ sung hoặc đưa ra khỏi Danh mục hiện hành, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ quản lý chuyên ngành rà soát kỹ lưỡng cơ sở pháp lý, thực tiễn, đánh giá tác động, yêu cầu quản lý đối với việc bổ sung hoặc đưa ra khỏi Danh mục; đánh giá tác động ưu điểm, nhược điểm, bảo đảm tính khả thi, giảm thủ tục hành chính… (nhất là đối với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu như: điện, dịch vụ sử dụng đường bộ, đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, nhà ở xã hội, dịch vụ sự nghiệp công, dịch vụ công ích…).
Về quỹ bình ổn giá, hoàn thiện quy định về quỹ bình ổn giá đối với các mặt hàng chiến lược, tác động đến kinh tế vĩ mô, theo nguyên tắc phục vụ quản lý, điều tiết giá chung của Nhà nước và giao Chính phủ quy định chi tiết để linh hoạt trong điều hành, kịp thời xử lý các tình huống đột xuất, bất ngờ.
Về hiệp thương giá, tiếp tục quy định về hiệp thương giá tại Luật giá (sửa đổi) nhằm điều chỉnh các tình huống phát sinh, có tính chất đặc thù, doanh nghiệp không thống nhất được giá mua, bán.
Hoàn thiện quy định điều kiện về vốn điều lệ đối với doanh nghiệp thẩm định giá
Hoàn thiện quy định điều kiện về vốn điều lệ đối với doanh nghiệp thẩm định giá hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần để phù hợp với bản chất của loại hình dịch vụ này.
Bộ Tài chính tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định về điều kiện thành lập, hoạt động của doanh nghiệp thẩm định giá, các hành vi bị nghiêm cấm, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho hoạt động thẩm định giá, trích lập quỹ dự phòng rủi ro nghề nghiệp… nhằm quản lý chặt chẽ, tránh tiêu cực, nâng cao chất lượng hoạt động và trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp thẩm định giá.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Thành viên Chính phủ, tiếp tục hoàn thiện các quy định tại dự thảo Luật về: thẩm quyền, trách nhiệm định giá; hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá; các hành vi bị nghiêm cấm; các trường hợp và biện pháp bình ổn giá; Hội nghề nghiệp về thẩm định giá; kiểm tra, giám sát kết quả thẩm định giá và kiểm tra, giám sát việc thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm… nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều tiết giá của Nhà nước, hoạt động thẩm định giá, bảo đảm tính minh bạch, khả thi, tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ tích cực, chuẩn bị kỹ nội dung thuộc chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước, chủ động phối hợp sớm, chặt chẽ, hiệu quả với Bộ Tài chính trong quá trình hoàn thiện dự án Luật này.
Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, các bộ, cơ quan liên quan tiếp thu tối đa ý kiến Thành viên Chính phủ, Nghị quyết của Chính phủ, hoàn thiện dự án Luật, báo cáo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trước khi báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV.
Nguồn: Báo Chính phủ