Ngày 8/9, Viện nghiên cứu Ứng dụng và đổi mới sáng tạo doanh nghiệp (3AI) phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chi nhánh Bà Rịa-Vũng Tàu công bố, trao chứng nhận Điểm đến trung hòa carbon cho Suối Rao Ecolodge (thôn 2, xã Suối Rao, huyện Châu Đức).
Đây là khu du lịch đầu tiên của Bà Rịa-Vũng Tàu đạt chứng nhận này, đánh dấu bước tiến quan trọng theo định hướng du lịch phát thải thấp (net zero) và kinh tế tuần hoàn.
Đại diện Viện nghiên cứu Ứng dụng và đổi mới sáng tạo doanh nghiệp trao chứng nhận Điểm đến trung hòa carbon cho bà Lê Thị Nga, chủ đầu tư Suối Rao Ecolodge (bìa trái). |
Bền bỉ hành trình tiến tới trung hòa carbon
Suối Rao Ecolodge nằm trên một triền đồi thoai thoải với diện tích 5ha, nối liền rừng phòng hộ Xuân Sơn. 16 năm trước, nơi đây chỉ là một vùng đất sỏi đá, chủ yếu trồng các loại cây lương thực ngắn ngày.
Bà Lê Thị Nga, Giám đốc Công ty TNHH kiến trúc cảnh quan Thượng Uyển, chủ đầu tư Suối Rao Ecolodge cho biết, Suối Rao Ecolodge ra đời với ý tưởng xây dựng một ngôi làng sinh thái, tôn trọng và phát huy những giá trị bản địa, kết nối hài hòa với thiên nhiên của vùng đất giàu tài nguyên, tiếp giáp hệ sinh thái đa dạng gồm biển, hồ, rừng và núi.
Ông Nguyễn Tấn Bản, Chủ tịch UBND huyện Châu Đức tặng giấy khen biểu dưng Công ty TNHH Kiến trúc cảnh quan thượng uyển vì thành tích tiên phong thực hiện giảm phát thải carbon trên địa bàn huyện Châu Đức. |
Xuyên suốt hành trình phục hồi và tái tạo các giá trị tự nhiên nguyên sơ, Suối Rao Ecolodge đã được các nhà khoa học, chuyên gia, kiến trúc sư cảnh quan đến làm việc một cách bài bản, khoa học với cam kết mạnh mẽ trong việc bảo tồn và đa dạng sinh học. Hiện nay, hơn 95% diện tích của Suối Rao Ecolodge được bao phủ bởi cây xanh. Có hơn 1 triệu cây xanh đã được định danh với khoảng 700 loài. Trong đó có 18 loài cây gỗ quý hiếm của Bà Rịa-Vũng Tàu như: cẩm lai, chiêu liêu, giáng hương huyết, gõ đỏ, gõ mật, sến mù, lát hoa, vên vên, sưa đỏ, cẩm liên, thàn mát cánh.
Chuyên gia Viện nghiên cứu Ứng dụng và đổi mới sáng tạo doanh nghiệp báo cáo kết quả đo đạc lượng CO2 tại Suối Rao Ecolodge. |
Ngoài ra, Suối Rao Ecolodge còn có khoảng 300 loại dược liệu như: mật nhân, ngũ thảo, trầu không, sâm đất, dổi ăn lá, sử quân tử, riềng, gừng rừng, ngãi cứu, thiên lý, khổ qua rừng, rau răm… Các loài hoa như sơn quỳ, dã quỳ, bươm bướm, thiên điểu, hoa hồng, cẩm tú cầu Đà Lạt bung nở quanh năm. Cỏ cây, hoa lá tốt tươi, chim, ong bướm, tắc kè, sóc tự nhiên theo về sinh sản… giúp Suối Rao Ecolodge trở thành một khu rừng với tính đa dạng sinh học cao.
Trồng cây, quản lý rừng, cải thiện chất lượng đất, bảo tồn đa dạng sinh học đã giúp Suối Rao Ecolodge có lượng lưu trữ carbon lớn. Bên cạnh đó, việc áp dụng một loạt các biện pháp giảm phát thải CO2 đưa Suối Rao Ecolodge trở thành điểm du lịch sinh thái tiên phong và điển hình trong hành trình trung hoà carbon.
Công bố của 3AI sau khi nghiên cứu, đo đạc, tính toán lượng CO2 phát thải, theo dõi diễn biến động lượng carbon theo thời gian, tổng lượng CO2 lưu trữ trong cây và đất tại Suối Rao Ecolodge 1.558,86 tấn/6 năm (tương đương 260 tấn CO2/năm), trong khi lượng phát thải CO2 đo được là 19 tấn/năm. Như vậy, kết quả này cho thấy, các hoạt động tại Suối Rao Ecolodge chỉ tiêu thụ hết khoảng 7% carbon lưu trữ mỗi năm.
Hoạt động trồng cây tại Suối Rao Ecolodge. |
Ghi dấu Bà Rịa-Vũng Tàu vào bản đồ net zero
Thông tin tại buổi lễ, ông Nguyễn Tấn Bản, Chủ tịch UBND huyện Châu Đức nhấn mạnh, nay Châu Đức đã có điểm đến tiên phong được chứng nhận trung hòa cacbon. Đây là vinh dự lớn của huyện. Với một lá phổi xanh, Châu Đức sẽ thu hút thêm nhiều du khách, nhà đầu tư yêu mến thiên nhiên, môi trường đến du lịch, trải nghiệm, thúc đẩy du lịch địa phương phát triển theo hướng xanh và bền vững. Địa phương cam kết sẽ đồng hành cùng DN, nhà đầu tư tạo thêm nhiều sản phẩm chất lượng dựa vào thiên nhiên, khai thác bền vững giá trị tài nguyên bản địa.
Chỉ số lưu trữ carbon của từng cây tại Suối Rao Ecolodge được hiển thị khi quét mã QR gắn trên thân cây. |
Phát biểu tại buổi lễ, ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch cho biết, việc Châu Đức có một điểm đến trung hòa carbon là bước tiến đầu tiên cho việc xây dựng các mô hình, điểm đến xanh dựa vào điều kiện tự nhiên hiện có. Giám đốc Sở Du lịch mong muốn, từ Suối Rao Ecolodge sẽ lan tỏa mô hình du lịch sinh thái này đến các khu du lịch quanh vùng. Dựa trên những tiêu chuẩn của Suối Rao Ecolodge hình thành bộ tiêu chí du lịch xanh như một hình mẫu để nhân rộng toàn tỉnh. Qua đó, du khách có điều kiện tiếp cận với các điểm đến du lịch xanh, cũng như tuyên truyền với du khách đến trải nghiệm tại đây xu hướng sống xanh, giảm thiểu phát thải ra môi trường.
Bà Lê Thị Nga chia sẻ thêm, hiện nay, Suối Rao Ecolodge chỉ nhận tối đa 50 khách/lần để bảo đảm không gian riêng biệt và yên tĩnh. Đến Suối Rao Ecolodge, du khách có thể hòa mình vào không gian văn hóa bản địa với đàn đá, đàn T’rưng, đàn guitar; cùng nhau đốt lửa trại, múa sạp, ném còn, thi thời trang Eco. Suối Rao Ecolodge tiếp tục làm đa dạng sinh học và trồng thêm nhiều cây. “Chúng tôi sẽ cán mốc 1.000 loài vào năm 2025, tiếp tục sứ mệnh bảo vệ môi trường, lan truyền tình yêu thiên nhiên đến cộng đồng, góp phần xây dựng nền kinh tế xanh, tuần hoàn và bền vững, du lịch có trách nhiệm tại Bà Rịa-Vũng Tàu”, bà Lê Thị Nga khẳng định.
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Vũng Tàu, Công ty TNHH Kiến trúc cảnh quan thượng uyển và Viện Nghiên cứu ứng dụng và đổi mới sáng tạo doanh nghiệp ký biên bản ghi nhớ tăng cường hợp tác về triển khai giải pháp và sản phẩm net zero. |
Nguồn: Báo Bà Rịa – Vũng Tàu