Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, việc huy động nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh được cho là một trong những vấn đề rất quan trọng, có tính chất sống còn đối với doanh nghiệp.
Cụ thể, tại Hội thảo “Giải pháp huy động nguồn vốn cho doanh nghiệp (DN) trong bối cảnh mới”, ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký VCCI cho biết, theo khảo sát của VCCI, bên cạnh việc thiếu hụt thị trường và nguồn nguyên liệu do đại dịch Covid-19 thì gần 50% doanh nghiệp thiếu hụt nguốn vốn và dòng tiền kinh doanh.
Về phía doanh nghiệp, việc dựa quá nhiều vào vốn vay, trong đó chủ yếu vay qua các tổ chức tín dụng thay vì vốn chủ sở hữu cũng khiến các doanh nghiệp dễ dàng gặp rủi ro hơn.
Trong khi đó, Tổng thư ký VCCI cho biết thêm, nếu ngân hàng phụ thuộc nhiều vào nguồn tín dụng cho doanh nghiệp thì có thể bị thiếu thanh khoản do doanh nghiệp khó trả nợ do dịch bệnh. Điều này có thể dẫn đến nguy cơ gia tăng nợ xấu, làm suy yếu hệ thống ngân hàng.
Hiện nay, hoạt động của doanh nghiệp chủ yếu dựa vào hai nguồn vốn: Nguồn vốn chủ sở hữu (nguồn vốn bên trong doanh nghiệp) và nguồn Nợ phải trả (nguồn vốn từ bên ngoài). Tương ứng với mỗi nguồn vốn có những cách thức huy động vốn khác nhau nhằm đáp ứng nhu cầu về vốn.
Nhưng ông Đặng Đức Thành, Chủ tịch Câu lạc bộ các nhà kinh tế (VEC) nhận định, do cơ cấu vốn của doanh nghiệp còn bất hợp lý, nguồn vốn chủ sở hữu chỉ chiếm khoảng 20-30% còn lại là vay tín dụng từ các ngân hàng thương mại, trong khi khu vực này lại thường không thể đáp ứng được nhu cầu vốn vay trung và dài hạn của doanh nghiệp.
Cơ cấu chưa hợp lý này chứa đựng nguy cơ rất lớn cho cả ngân hàng, doanh nghiệp và nền kinh tế, trong đó nguy cơ ở phía doanh nghiệp là phải vay với lãi suất cao, chi phí vốn lớn dẫn tới hiệu quả sinh lời thấp…
Thêm vào đó, điểm yếu của doanh nghiệp Việt Nam là phụ thuộc quá nhiều vào nguồn vốn vay ngân hàng. Trong khi đó thị trường tín dụng đang bị quá tải do vừa phải lo cung ứng nguồn vốn ngắn hạn, vừa phải lo cung ứng nguồn vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế và doanh nghiệp.
Đồng thời, tiềm lực của các ngân hàng Việt Nam còn hạn chế, để bảo đảm có nguồn vốn trung và dài hạn, các ngân hàng buộc phải đi vay nguồn vốn ngắn hạn lấy nguồn huy động ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn. Điều này chứa đựng nguy cơ rất lớn cho cả ngân hàng, doanh nghiệp và nền kinh tế. Nguy cơ ở phía doanh nghiệp là ở khía cạnh phải vay lãi suất cao, chi phí vốn cao dẫn đến hiệu quả sinh lời thấp; mặt khác việc phụ thuộc quá lớn vào nguồn vốn vay ngân hàng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động của doanh nghiệp trong trường hợp nguồn vay bị hạn chế hoặc gián đoạn.
Chính vì vậy, ngay cả khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, việc khôi phục lại hoạt động của các doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là bài toán về nguồn vốn. Do đó, để thực hiện mục tiêu kép “vừa chống dịch, vừa duy trì tăng trưởng” của Chính phủ, các doanh nghiệp Việt Nam cần xem xét đến bài toán nguồn vốn trong “trạng thái bình thường mới”.
Theo các chuyên gia, muốn huy động nguồn vốn có hiệu quả, doanh nghiệp cần phải tập trung vào 4 giải pháp cụ thể: Xác định cơ cấu vốn tối ưu; đa dạng hóa các hình thức huy động vốn; huy động vốn qua thị trường chứng khoán là giải pháp tối ưu mang lại hiệu quả to lớn cho doanh nghiệp; nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp.
Đáng chú ý, TS. Lê Anh Tú, Cố vấn cấp cao PwC Việt Nam cho biết, trên thế giới, sau ảnh hưởng của Covid-19, các doanh nghiệp có xu hướng tiếp cận các kênh huy động vốn phi ngân hàng như: thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu và kể cả các kênh phi truyền thống khác như gọi vốn cộng đồng, gọi vốn thông qua tiền mã hóa…
Nhận định về vấn đề gọi vốn thông qua tiền mã hóa, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng đánh giá, hiện có trên 40 ngân hàng Trung ương toàn cầu đang nghiên cứu loại tiền này. Dù đây không phải xu hướng mới, nhưng số lượng các nước chưa triển khai nhiều. Ở Việt Nam, hành lang pháp lý cho vấn đề này hầu như chưa có, vẫn còn khá nhiều rủi ro, thậm chí có trường hợp “sập sàn”, gây hệ lụy cho các nhà đầu tư.
“Các cơ quan quản lý cần mạnh mẽ và xây dựng các giải pháp hiệu quả, thiết thực hơn. Tiến độ tiếp cận vẫn còn chưa đủ nhanh so với diễn biến, trong thời gian tới, cần có đẩy nhanh việc thiết kế chính sách và có quan điểm, cơ chế rõ ràng về lĩnh vực này”, chuyên gia Cấn Văn Lực nói
Nhìn chung, khi dịch bệnh được kiểm soát thì chính sách tiền tệ phải đóng vai trò quyết định trong việc cung cấp nguồn vốn cần thiết giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất, từ đó kích cầu để tạo động lực cho tổng cung mở rộng, đồng thời, từng bước phục hồi lại kỷ luật tài khóa (vốn được nới lỏng trong thời kỳ dịch bệnh) để đảm bảo sự bền vững của ngân sách trong dài hạn.
Nguồn: Diễn đàn doanh nghiệp