Dự báo năm 2022, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam sẽ khởi sắc trở lại nhờ những chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn và chủ trương mở cửa trở lại nền kinh tế sau 2 năm đóng cửa bởi dịch bệnh Covid-19.
Tháng đầu tiên của năm 2022, dòng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam đạt 2,1 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2021. Cùng với đó, vốn FDI thực hiện trong tháng cũng đạt 1,61 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả trên được đánh giá là tín hiệu tích cực cho dòng vốn FDI vào Việt Nam trong năm 2022.
Trước đó, Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) đã công bố khảo sát thực trạng của các doanh nghiệp (DN) Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài, cho thấy, tỷ lệ DN Nhật Bản kinh doanh có lãi tại Việt Nam trong năm 2021 là 54,3%, cao hơn so với kết quả khảo sát của năm 2020 với khoảng 50%. 56,2% DN Nhật Bản cũng cho biết, lợi nhuận năm 2022 sẽ được cải thiện so với năm 2021…
Vốn FDI đầu tư vào Việt Nam trong tháng 1/2022 đạt 2,1 tỷ USD
Từ những kết quả trên, ông Takeo Nakajima – Trưởng đại diện JETRO Hà Nội – cho rằng: Việt Nam sẽ là điểm đến được nhiều DN Nhật Bản lựa chọn trong năm 2022, đặc biệt chuyến thăm chính thức Nhật Bản vào tháng 11/2021 của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có 25 thỏa thuận đầu tư được ký kết với tổng vốn đầu tư lên tới 12 tỷ USD, đây chính là cơ hội để Việt Nam đón dòng vốn Nhật Bản trong năm 2022 và những năm tiếp theo.
Kết quả khảo sát mới nhất của Chỉ số Môi trường Kinh doanh (Business Climate Index – BCI) từ Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cũng cho biết, DN châu Âu đang thể hiện tinh thần lạc quan vào môi trường thương mại, đầu tư tại Việt Nam. Theo đó, Chỉ số BCI đã đạt mức cao nhất kể từ khi làn sóng dịch lần thứ 4 bùng phát, với 61 điểm phần trăm, tăng 42 điểm so với kết quả khảo sát trước đó. Kết quả khảo sát cũng cho thấy, hơn một nửa (58%) lãnh đạo các DN châu Âu đang dự đoán sự ổn định và tăng trưởng kinh tế trong quý I/2022, tăng 8 điểm so với kỳ khảo sát trước, trong khi đó, chỉ có 17% dự đoán suy giảm. Lãnh đạo các DN châu Âu cũng tin tưởng hơn về triển vọng phát triển kinh tế trong thời kỳ bình thường mới của Việt Nam. Do đó, 43% DN có kế hoạch tăng đầu tư vào quý đầu tiên của năm 2022, so với chỉ 17% vào 3 tháng trước.
Không chỉ các DN Nhật Bản hay châu Âu lạc quan về môi trường đầu tư Việt Nam trong năm 2022, chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, các DN Hàn Quốc cũng đang có kế hoạch đầu tư mới tại Việt Nam. Bên cạnh đó, các DN Hoa Kỳ đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc ứng phó với dịch bệnh. Qua đó khẳng định, Việt Nam vẫn sẽ là điểm đến đầu tư an toàn, hấp dẫn và tiềm năng đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong năm 2022.
Doanh nghiệp nước ngoài đánh giá cao môi trường đầu tư Việt Nam
Mặc dù có nhiều cơ hội để dòng vốn FDI khởi sắc trong năm 2022, song theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, trong bối cảnh nguồn cung hạn chế và ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, các quốc gia đều tranh thủ nguồn lực bên ngoài để duy trì và phục hồi kinh tế. Theo đó, cạnh tranh trong thu hút FDI giữa các quốc gia đang phát triển có sự tương đồng về thị trường, trình độ phát triển, công nghệ và lao động đang ngày càng gay gắt. Do vậy, để tiếp tục hấp dẫn trong thu hút FDI, thời gian tới Việt Nam cần tập trung vào một số giải pháp cụ thể, như: Tiếp tục rà soát, điều chỉnh kịp thời chính sách thu hút FDI cho phù hợp và theo kịp với những biến động của kinh tế toàn cầu và những thay đổi trong chiến lược thu hút FDI của các nước trên thế giới, đồng thời tạo môi trường đầu tư, kinh doanh cạnh tranh, thông thoáng, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của DN, nhà đầu tư. Cùng với đó, tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, có chiến lược đúng trong xử lý dịch Covid-19, đồng thời đẩy nhanh quá trình tiêm chủng để đưa các hoạt động kinh tế – xã hội trở lại bình thường, xóa bỏ tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, lao động tạo dựng niềm tin và sự an tâm của các nhà đầu tư nước ngoài.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Việt Nam cũng cần chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để thu hút đầu tư FDI như: Rà soát, bổ sung quỹ đất sạch, rà soát lại quy hoạch điện và đôn đốc triển khai các dự án điện, tăng cường việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bổ sung chính sách và các biện pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ, cải thiện thủ tục hành chính…
Đặc biệt, để thu hút được dòng vốn FDI có chất lượng, có sức lan tỏa đến các DN trong nước và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam theo yêu cầu Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, Chính phủ Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách chung về đầu tư nước ngoài, chính sách thu hút đầu tư, chính sách nhằm bảo hộ và đề cao trách nhiệm của nhà đầu tư; hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý, giám sát đầu tư; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý về đầu tư nước ngoài. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra gắn với nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương và người đứng đầu trong chấp hành chủ trương, chính sách của đảng, pháp luật của nhà nước liên quan đến đầu tư nước ngoài.
Để thu hút được các dự án FDI có chất lượng, Việt Nam cũng cần xử lý dứt điểm các dự án gây ô nhiễm môi trường, sử dụng đất không hiệu quả, kinh doanh thua lỗ nhiều năm, dự án không thực hiện cam kết. Phòng ngừa, giải quyết sớm, có hiệu quả các tranh chấp liên quan đến đầu tư nước ngoài. |
Nguồn: congthuong.vn