Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Mexico (kiêm nhiệm Guatemala, Honduras, El Salvador, Belize) cho biết, người dân ở quốc gia này tiêu thụ mạnh các sản phẩm đã qua sơ chế hoặc chế biến tại các siêu thị hoặc của hàng tiện dụng, do vậy mặt hàng này là một mặt hàng tiềm năng cho các sản phẩm thủy hải sản của Việt Nam.
Theo Bộ Công Thương, Mexico và Việt Nam là hai thị trường khá tương đồng với nhau. Nhiều mặt hàng chủ lực của Việt Nam có nhiều cơ hội thâm nhập vào thị trường đông dân thứ 11 trên thế giới, nhất là sau khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đi vào thực thi.
Mexico có diện tích gần 2 triệu km2, đứng thứ 5 khu vực châu Mỹ và thứ 14 trên thế giới. Dân số Mexico là 127 triệu dân, đứng thứ 11 trên thế giới. Mexico nằm tại “trái tim” của châu Mỹ, với vị trí địa lý đắc địa thuộc Bắc Mỹ nhưng cũng thuộc khu vực Mỹ Latin qua ngôn ngữ sử dụng tiếng Tây Ban Nha, nguồn gốc của lịch sử và văn hóa. Ngoài ra, Mexico lại là kết nối giữa Đại Tây Dương và châu Á-Thái Bình Dương nhờ có bờ biển dài.
Ông Lưu Vạn Khang, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Mexico (kiêm nhiệm Guatemala, Honduras, El Salvador, Belize) thông tin, Mexico có quan hệ với nhiều khu vực nền kinh tế quan trọng trên thế giới, ngoài ra Mexico còn dùng chung ngôn ngữ, chia sẻ nguồn gốc, lịch sử, nền văn hóa với các nước khu vực Mỹ Latin được coi là của ngõ để tiếp cận đến các vùng kinh tế năng động như G20, Liên minh Kinh tế Thái Bình Dương (Pacific Alliance). Bên cạnh đó, Mexico có Hiệp định thương mại tự do với châu Âu, Hiệp định tự do thương mại Bắc Mỹ (NAFTA) và là thành viên của CPTPP.
“Do vậy đối với Việt Nam, Mexico là một thị trường lớn tiềm năng mà cần phải được khai thác”, ông Lưu Vạn Khang đánh giá và cho biết thêm, với tình hình thế giới có nhiều biến động, dịch COVID-19,… giá nhân công và hàng hóa của Trung Quốc ngày càng tăng nên xu hướng của các công ty nhập khẩu trên thế giới, trong đó có Mexico, đang có định hướng tìm nhà cung cấp khác, và Việt Nam cũng trong số đó.
Mặt khác, hiện nay hiệp định CPTPP đã đi vào thực hiện được 3 năm nên có nhiều mặt hàng chủ lực của Việt Nam có cơ hội thâm nhập vào thị trường đông dân thứ 11 trên thế giới. Một số mặt hàng xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam sang thị trường Mexico như thủy sản và nông sản chế biến; cà phê; hàng tiêu dùng…
Cụ thể, đối với mặt hàng thủy sản và nông sản chế biến, Mexico cam kết xóa bỏ thuế cho cá tra và basa từ năm thứ 3 của CPTPP, do vậy mặt hàng này đã được miễn thuế nhập khẩu vào Mexico. Tôm chế biến giảm theo quy trình và về 0% từ năm thứ 12, tôm đông lạnh về 0% từ năm thứ 13 và cá ngừ là năm thứ 16.
Theo nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển vùng ven biển năm 2021, trong 8 năm trở lại đây mức độ tiêu thụ thủy sản bình quân trên đầu người là 12 đến 13kg/năm, thói quen này còn thấp nếu chúng ta so sánh với các nguồn thực phẩm giàu đạm khác như thịt lợn, thịt bò, thịt gà.
“Mặc dù Mexico rất nhiều biển, sông ngòi nhưng lại ít chợ hải sản, chủ yếu người dân tiêu thụ các sản phẩm đã qua sơ chế hoặc chế biến tại các siêu thị hoặc của hàng tiện dụng, do vậy mặt hàng này là một mặt hàng tiềm năng cho các sản phẩm thủy hải sản của Việt Nam”- ông Lưu Vạn Khang chia sẻ.
Theo số liệu của Hải quan Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Mexico đạt gần 118 triệu USD, tăng 44,5%. Các mặt hàng nông sản chế biến cũng là mặt hàng tiềm năng vào thị trường Mexico tuy nhiên, các doanh nghiệp cần phải nghiên cứu tạo ra những sản phẩm phù hợp với khẩu vị của người địa phương.
Đối với cà phê, Mexico là đất nước tiêu thụ cà phê lớn trên thế giới, trung bình một năm một người dân Mexico tiêu thụ 1,7 kg/người; 84% nhà dân tiêu thụ sản phẩm café hòa tan. “Đây là mặt hàng mà các công ty của Việt Nam cần tìm kiếm cơ hội thâm nhập thị trường Mexico”- ông Lưu Vạn Khang thông tin.
Ngoài ra, mặt hàng cà phê nguyên liệu cũng có nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam.
Có thể nói, có rất nhiều dư địa để các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam mở rộng thị phần tại Mexico, tuy nhiên để biến cơ hội, tiềm năng thành hiện thực, điều này đòi hỏi sự nỗ lực của chính các doanh nghiệp Việt Nam trong công tác tiếp cận thị trường, cũng như đáp ứng tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm tại thị trường này.
Nguồn: Báo Chính phủ