Sáng 25/5, Sở Công thương phối hợp với TP. Sanjo (Nhật Bản) tổ chức hội thảo trực tuyến giao lưu giữa DN BR-VT và DN Tsubame – Sanjo (Nhật Bản), qua đó chia sẻ và giải đáp những vướng mắc để xúc tiến quá trình triển khai dự án Tsubame – Sanjo trong thời gian tới.
Đại diện Sở Công thương, các DN tham gia dự án tại đầu cầu BR-VT trong buổi Hội thảo trực tuyến giao lưu giữa DN BR-VT và DN Tsubame – Sanjo (Nhật Bản). |
HỖ TRỢ DN SAN XUẤT KINH DOANH
Dự án hỗ trợ kinh doanh DNNVV trong khuôn khổ chương trình phổ cập kiểm chứng, thương mại hóa dành cho DNNVV thông qua việc giới thiệu sản phẩm Việt Nam được sản xuất bởi Tsubame – Sanyo và thương hiệu Tsubame – Sanyo tại Việt Nam được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2834 ngày 25/10/2019. Dự án đặt mục tiêu xây dựng những sản phẩm thương hiệu chung giữa Tsubame-Sanjo và BR-VT; đồng thời xây dựng kế hoạch kinh doanh để quảng bá sản phẩm thương hiệu chung cũng như sản phẩm Tsubame – Sanjo. Ngoài ra, dự án sẽ hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho DN BR-VT thông qua việc truyền đạt kinh nghiệm sản xuất theo phương pháp Nhật Bản, và các kiến thức về pháp lý để hỗ trợ DN trong hoạt động kinh doanh với DN ngoài nước.
Thông tin tại hội thảo, bà Vũ Bích Hảo, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, do dịch COVID-19 nên dự án này bị chậm tiến độ so với kế hoạch ban đầu. Tuy nhiên, lãnh đạo UBND tỉnh cũng như Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) kỳ vọng sẽ tạo ra một thương hiệu chung có những sản phẩm độc đáo, chất lượng cao do DN của hai địa phương hợp tác sản xuất. Qua đó, tạo tiền đề cho sự phát triển mạnh mẽ hơn nữa ngành công nghiệp cơ khí của tỉnh cũng như tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam – Nhật Bản nói chung và các DN BR-VT với DN Tsubame – Sanjo nói riêng. Vì vậy, để dự án tiếp tục được xúc tiến, Sở đã tổ chức hội thảo trực tuyến để kết nối các DN BR-VT quan tâm đến dự án với các DN Tsubame – Sanjo.
“Đến nay các bước triển khai dự án Tsubame – Sanjo đã cơ bản hoàn tất. Các DN tham gia dự án tại BR-VT cũng đã chuẩn bị sẵn nhà xưởng, nhân lực, nhưng khó khăn hiện nay là do dịch COVID-19 nên các chuyên gia Nhật Bản chưa sang Việt Nam để hỗ trợ đào tạo và chuyển giao kỹ thuật, máy móc. Thời gian tới, thông qua các hình thức kết nối trực tuyến, các DN hai bên sẽ trao đổi kinh nghiệm, giải quyết các vấn đề liên quan để sớm đưa các loại máy móc, các sản phẩm từ Nhật Bản sang để trưng bày cũng như triển khai các bước tiếp theo để dự án tiếp tục được triển khai”, bà Vũ Bích Hảo thông tin thêm.
Một công đoạn sản xuất kìm tại DN ở Nhật Bản được trình chiếu tại Hội thảo. |
DOANH NGHIỆP ĐẶT NHIỀU KỲ VỌNG
Chia sẻ tại hội thảo, ông Hoàng Đại Hải, đại diện Công ty TNHH Thương mại – Dịch vụ Tiến Dũng (phường Phước Hòa, TX. Phú Mỹ) thông tin, ngoài các sản phẩm là bàn nail và các sản phẩm đi kèm như dép xốp, khẩu trang… công ty muốn mở rộng sản xuất các sản phẩm mới. “Qua tìm hiểu, công ty quan tâm đến các sản phẩm làm đẹp như kìm, kéo cắt móng tay của 2 DN Nhật Bản. Khi quá trình xúc tiến được hoàn thành và cơ hội hợp tác được xúc tiến mạnh mẽ sẽ giúp DN phát triển sản xuất, người tiêu dùng cũng có thêm một sản phẩm chất lượng”, ông Hải nói.
Còn ông Phạm Duy Tuân, Giám đốc Công ty CP tích hợp hệ thống công nghệ điện và điều khiển PECSI (KCN Đông Xuyên, TP. Vũng Tàu) cho biết, trước đây công ty chuyên sản xuất các thiết bị về công nghệ, điện và điều khiển phục vụ ngành dầu khí. Tuy nhiên, hai năm trở lại đây, ngành dầu khí gặp khó khăn, DN đã chuyển sang nghiên cứu và sản xuất các thiết bị phục vụ cho ngành nông nghiệp. Do đó, công ty mong muốn được hợp tác với các DN tại TP. Tsubame – Sanjo để sản xuất các sản phẩm cơ khí như dao, kéo, kìm và các sản phẩm phục vụ cho nhu cầu làm đẹp trong dự án của JICA. “Chúng tôi mong muốn được kết hợp kinh nghiệm lâu đời của các DN Nhật Bản cùng cơ sở vật chất, nhân lực có sẵn tại tỉnh nói chung, của DN nói riêng để phát triển công nghiệp chế tạo và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động. Công ty đã theo đuổi dự án này gần 1 năm nay, nhưng do dịch nên việc xúc tiến dự án gặp khó khăn. Hy vọng thời gian tới, khi các bước thực hiện được hoàn tất, các DN Nhật Bản đưa các máy móc đặc thù sang để giúp các DN tại BR-VT tham gia dự án thuận tiện cho việc sản xuất các sản phẩm hợp tác này”, ông Tuân cho hay.
Chia sẻ với các DN tỉnh BR-VT, ông Kazuki Otsuka, đại diện tổ chức JICA Nhật Bản cho biết: “Trong khuôn khổ hỗ trợ, hợp tác của JICA tại BR-VT, có dự án hỗ trợ DNNVV của BR-VT. Chúng tôi đã và đang nỗ lực để hỗ trợ dự án Tsubame – Sanjo tại hai địa phương, xúc tiến việc chuyển giao công nghệ, qua đó giúp các DN của BR-VT có thêm kỹ thuật cao tạo ra những sản phẩm mang thương hiệu chung có chất lượng cao trong tương lai”.
Nguồn: Báo Bà Rịa – Vũng Tàu