Sáng nay tại Hà Nội, Hội nghị Tổng kết công tác của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trong năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 đã diễn ra.
Nhìn lại một năm 2020 với bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp và có tác động tiêu cực đến nền kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, dịch vụ, du lịch….
Phát biểu khai mạc hội nghị tổng kết, Chủ tịch VCCI, TS. Vũ Tiến Lộc cho biết, nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam đang trong giai đoạn bình thường mới nhưng theo quan điểm của TS. Lộc không có bình thường mới mà chỉ có thời kỳ “bất bình thường mới”, “VCCI và cộng đồng doanh nghiệp đã trải qua một năm vô cùng khó khăn” – TS. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
VCCI trong năm qua đã bình tĩnh hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, VCCI đã đi đầu trong việc đưa ra những nghiên cứu khảo sát trao đổi của các doanh nghiệp, để đưa ra trong năm 2020 trên 200 kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp báo cáo lên chính phủ và các cơ quan của Đảng và Nhà nước.
Hội nghị có sự tham gia của nhiều đại biểu, cán bộ, nhân viên toàn VCCI.
TS.Vũ Tiến Lộc còn cho biết, ngoài các đóng góp của VCCI trong công cuộc phòng chống COVID-19, VCCI cũng đã có các đóng góp về thể chế, xúc tiến thương mại đầu tư. “Một trong những đóng góp quan trọng nhất về thể chế của VCCI trong năm 2020 là VCCI Kiến nghị và được Chính phủ và Quốc hội chấp thuận thành lập tổ công tác rà soát những chồng chéo, bất hợp lý trong quy định pháp luật về môi trường kinh doanh” – Chủ tịch VCCI cho biết.
Nhìn lại năm 2020, là năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam, VCCI đã có những đóng góp cho thành công chung. ASEAN 2020 được đánh giá thành công nhất trong lịch sử mặc dù trong bối cảnh COVID-19.
Lần đầu tiên VCCI tổ chức một sự kiện quốc tế trên phương thức trực tuyến VCCI đã thành công về cả nội dung và công nghệ. Một số hội nghị phải kể đến như Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh và Đầu tư ASEAN (ASEAN BIS), Diễn đàn Doanh nghiệp Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương năm 2020, Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam 2020.
“ Lịch sử đối ngoại của Việt Nam đang chuyển từ giai đoạn tham gia đi theo người khác sang giai đoạn Việt nam đóng vai trò kiến tạo, dẫn dắt một số hoạt động của cộng đồng quốc tế, nhìn qua năm 2020 VCCI đã có đóng góp quan trọng đạt được điều này” – TS. Vũ Tiến Lộc cho hay.
VCCI đóng góp những sáng kiến trong vai trò chủ tọa đợc đánh giá rất cao, sáng kiến Mạng lưới khởi nghiệp ASEAN, tổ chức các dữ liệu cho cổng thông tin về giải pháp số trong ASEAN, tổ chức cuộc thi Những ngôi sao số trong ASEAN…là một trong những thành công rất lớn trong năm ASEAN 2020.
“ Tôi tin rằng VCCI sẽ có giai đoạn phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới” – Chủ tịch VCCI kết luận bài phát biểu.
Về kết quả thực hiện công tác năm 2020 và phương hướng nhiệm vụ 2021 của VCCI, ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch VCCI cho biết, trong năm 2020, VCCI đã công bố Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019, đánh dấu 15 năm VCCI phối hợp triển khai báo cáo đánh giá chất lượng điều hành kinh tế của các địa phương dưới góc nhìn doanh nghiệp. Tiếp tục triển khai khảo sát PCI 2020 và hoạt động tư vấn áp dụng Bộ Chỉ số “Đánh giá năng lực điều hành cấp Sở, Ban, ngành và địa phương thuộc tỉnh (DDCI)” cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Tiếp tục thực hiện Chương trình hành động của VCCI thực hiện Nghị quyết | 02/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Nghị quyết 35/NQCP về “Hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020”.
Triển khai xây dựng và công bố các báo cáo chuyên sâu như: Báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam 2020; Báo cáo năng suất lao động, các chuyên đề “Tác động của đại dịch Covid-19 đến kinh tế thế giới và Việt Nam”, Đề xuất giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Đã chủ trì tổ chức thành công Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam 2020, Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh và Đầu tư ASEAN 2020, Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nhân nữ ASEAN 2020, Lễ trao giải thưởng Doanh nghiệp ASEAN, 03 ký nộp Hội đồng ASEAN BAC thường kỳ và 04 hội nghị trực tuyến với các Hội đồng Doanh nghiệp thành viên.
VCCI tiếp tục là đầu mối thông tin và tư vấn lớn nhất cho doanh nghiệp về WTO và các Hiệp định thương mại quan trọng mà Việt Nam đang tham gia: đề xuất 20 khuyến nghị chính sách – góp ý – bình luận về các vấn đề hội nhập, đáng chú ý là Kiên nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU, Khuyến nghị về phương án đàm phán Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực …
Về công tác đại diện giới sử dụng lao động, VCCI đã tích cực tham gia vào quá trình xây dựng chính sách pháp luật lao động, tổ chức nhiều cuộc họp trực tuyến lấy ý kiến cũng như tham vấn của các chuyên gia để tham gia ý kiến vào 25 dự thảo văn bản Luật, Nghị định, Thông tư, quyết định của Thủ tướng Chính phủ; VCCI cũng đã thành lập Tổ công tác về chính sách, pháp luật lao động và quan hệ lao động nhằm gắn kết sự tham gia của các Hiệp hội doanh nghiệp vào quá trình xây dựng, tuyên truyền và thực thi chính sách, pháp luật lao động và quan hệ lao động.
Tiếp tục tham gia vào hoạt động của Ủy ban Quan hệ lao động Quốc gia, Hội đồng tiền lương Quốc gia với vai trò là cơ quan đại diện người sử dụng lao động để nghiên cứu xây dựng mô hình và kiện toàn bộ máy tổ chức của Tổ chức đại diện Người sử dụng lao động. Tham gia Tổ công tác gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động và việc làm bền vững, xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động năm 2020.
Một số đại biểu đại diện cho các đơn vị, tổ chức trực thuộc VCCI phát biểu tại Hội nghị:
Nguồn: Tạp Chí Diễn Đàn doanh nghiệp