Kinhtedothi – Covid-19 đang làm thay đổi nền tảng trực tuyến, cùng sự nở rộ hội nghị trực tuyến, mạng xã hội… Việc số hóa thông tin cũng là một trong những giải pháp được đưa ra sau những cơn sốt đất liên tục gần đây, khi giá đất bị đẩy lên cao chỉ vì thiếu nguồn tin chính xác.
Thay đổi phương thức kinh doanh
Theo báo cáo kinh tế số Đông Nam Á của Google, Temasek và Bain&Company, tốc độ tăng trưởng nền kinh tế số tại Việt Nam trong 5 năm tới sẽ cao thứ hai khu vực (29%), chỉ sau Philippines (30%). Giám đốc điều hành Công ty công nghệ OOS Phạm Ngọc Thức cho biết, DN Việt đã bước sang giai đoạn có nhiều ứng dụng công nghệ vào một số khu vực trọng điểm, như: Tìm kiếm khách hàng, tăng tính tương tác, chốt đơn hàng; Quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh cốt lõi.
DN kinh doanh BĐS, dịch vụ du lịch – nghỉ dưỡng, giải pháp công nghệ hướng tới việc tối ưu vận hành dự án, tiết kiệm chi phí…; Và quản lý nội bộ DN, như: tài chính – kế toán, nhân sự, kho vận, hậu cần, văn phòng điện tử… giúp tiết kiệm nhiều sức lao động cho các công việc lặp đi lặp lại.
“Nhiều DN biết chuyển hóa khó khăn thành cơ hội, tận dụng tốt thời điểm thị trường có sự chùng xuống, mạnh dạn đầu tư, nâng cấp hệ thống công nghệ tăng năng suất lao động và đặc biệt là áp dụng các ứng dụng bán hàng online, làm việc online, tương tác với khách hàng online…” – ông Phạm Ngọc Thức cho hay.
Đồng quan điểm, theo chuyên gia tài chính – ngân hàng TS Cấn Văn Lực, trước những tác động tiêu cực, kéo dài của đại dịch Covid-19, các DN BĐS đã có sự điều chỉnh nhanh nhạy với tình hình của thị trường bằng việc đưa công nghệ số vào bán hàng.
“Với việc đưa ứng dụng công nghệ số tham gia vào các hoạt động của thị trường BĐS, đã giúp hình thành ra một hệ sinh thái mới mở ra cơ hội tiếp cận sản phẩm cho khách hàng một cách dễ dàng hơn. DN cũng có thêm những phương thức bán hàng mới trong hoàn cảnh phải giãn cách do dịch bệnh, vì vậy công nghệ số đang đóng vai trò quan trọng” – TS Cấn Văn Lực nhìn nhận.
Lợi ích trong kiểm soát thông tin
Ngoài việc tạo ra phương thức kinh doanh mới cho các DN, việc số hóa thông tin cũng mang lại lợi ích trong kiểm soát thông tin đất đai, nhằm đảm báo tính minh bạch của thông tin. Đây là một trong những giải pháp được đưa ra sau những cơn sốt đất liên tục thời gian vừa qua, khi giá đất bị đẩy lên cao chỉ vì thiếu nguồn tin chính xác, thông qua việc thành lập dữ liệu Quốc gia về giá đất – nơi mà toàn bộ thông tin về đất đai được lưu trữ trên nền tảng số.
Với tốc độ phát triển cao hơn mức trung bình chung của khu vực và đang từng bước đặt chân vào top các quốc gia hàng đầu của thế giới trong lĩnh vực này, từ năm 2020 Việt Nam bắt đầu khởi động chuyển đổi số quốc gia với 3 trụ cột, gồm: Chính phủ số, Kinh tế số và Xã hội số. Thủ tướng đã yêu cầu xây dựng Chiến lược quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đến năm 2030, Việt Nam có 100.000 doanh nghiệp công nghệ số.
“Mọi thứ được kiểm soát bởi cơ quan đăng ký đất đai, số hóa quốc gia về các giao dịch đất đai sẽ tạo ra sự minh bạch. Thời gian qua, giá cả đang được đẩy lên cao dựa trên những thông tin sai lệch hoặc bị hiểu nhầm, đã dẫn đến sự lẫn lộn trong giá cả và một số người sẽ ra quyết định đầu tư sai lầm dựa trên những thông tin không chính xác. Vì vậy, sự xuất hiện của một nguồn dữ liệu, nơi thông tin được công bố rộng rãi, chính xác sẽ cho phép thị trường BĐS hoạt động ổn định, giảm thiểu những sự nhảy vọt về giá” – Giám đốc Savills Hà Nội Mathew Powell nhìn nhận.
Các chuyên gia đều cho rằng, việc ứng dụng công nghệ số sẽ giúp lưu trữ những thông tin về đất đai, thị trường BĐS trong một thời gian dài. Người dân, DN có thể sử dụng khi tiếp cận với thị trường và Chính phủ cũng đồng thời sử dụng như một công cụ hiệu quả về pháp lý. Quan trọng hơn cả là giúp cho ngành BĐS bỏ qua được những đặc tính lỗi thời là quá phụ thuộc vào các loại giấy tờ, giấy tờ được số hóa thông tin sẽ truyền tải hiệu quả hơn, tính bảo mật cao hơn.
Nguồn: Kinh tế & Đô thị