Sáng nay, 26/6, tại Nam Định đã diễn ra Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Phát triển kinh tế xanh – Lý luận và thực tiễn” với sự tham gia của nhiều đại biểu, chuyên gia kinh tế, đại diện các bộ, ban, ngành, địa phương đã đưa ra các cơ hội và thách thức với Việt Nam trong chuyển đổi xanh cũng như đề xuất các giải pháp để Việt Nam đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh.
Quang cảnh buổi hội thảo. |
DOANH NGHIỆP Ở TRUNG TÂM TRONG PHÁT TRIỂN KINH TẾ XANH
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Hoan, Phó Vụ trưởng Vụ Các trường chính trị (Học viện Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng: Việc phát triển kinh tế xanh mang tính tất yếu. Bởi, mô hình “kinh tế nâu” trên thực tế đã và đang để lại những hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường.
“Năm 2008, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu, UNEP đã nhắc lại khái niệm này, đồng thời coi việc xây dựng nền kinh tế xanh, bắt đầu từ việc triển khai các ‘gói kích thích kinh tế xanh’ trong một số lĩnh vực cụ thể, tiến tới ‘tăng trưởng xanh’ để xây dựng nền kinh tế xanh là lối thoát quan trọng để đưa các quốc gia ra khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế, hướng tới phát triển bền vững”, PGS, TS Hoàng Văn Hoan nhấn mạnh, đồng thời bổ sung, nội hàm của kinh tế xanh bao gồm phát thải carbon thấp, sử dụng hiệu quả tài nguyên và bảo đảm công bằng xã hội.
PGS. TS Hoàng Văn Hoan trình bày tham luận tại hội thảo. |
Kinh tế xanh cũng được chứng minh là có hiệu quả về mặt dài hạn hơn hẳn kinh tế nâu, đồng thời giúp duy trì và phục hồi vốn tự nhiên. Phát triển kinh tế xanh sớm sẽ giúp rút ngắn quá trình phát triển, nhanh chóng tiến tới xã hội thịnh vượng, bền vững.
Về điều kiện phát triển kinh tế xanh, Phó Vụ trưởng Vụ Các trường chính trị nhận định, các nước phát triển có điều kiện tài chính, nguồn nhân lực và công nghệ có thể chuyển sang nền kinh tế xanh thông qua đầu tư, phát triển những lĩnh vực mới trong nền kinh tế nhằm thúc đẩy xã hội phát triển, môi trường bền vững. Các nền kinh tế đang phát triển phải tốn nhiều chi phí và thời gian hơn khi phải điều chỉnh dần dần để nền kinh tế truyền thống trở nên thân thiện hơn với môi trường.
Các đại biểu tham dự hội thảo. |
“Trong mô hình kinh tế xanh, các doanh nghiệp ở vị trí trung tâm, giữ vai trò chính trong phát triển. Còn Nhà nước phải đóng vai trò “nhạc trưởng”, phối hợp các bên liên quan, quản lý vĩ mô và kiến tạo quá trình chuyển đổi. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng là chủ thể tham gia thị trường với vai trò người tiêu dùng sản phẩm”, PGS, TS Hoàng Văn Hoan lưu ý.
Chuyên gia cho rằng, để phát triển kinh tế xanh, Việt Nam cần bảo đảm 4 điều kiện; bao gồm nhanh chóng hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về tăng trưởng xanh; tăng cường đầu tư nguồn lực cho phát triển năng lượng tái tạo; tăng cường giao lưu, hợp tác với cộng đồng quốc tế; đẩy nhanh hơn nữa việc giải quyết bài toán thuế carbon.
Ở góc độ địa phương, bà Hà Lan Anh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định cũng nhận định: Bên cạnh vai trò của Chính phủ, địa phương thì vai trò của doanh nghiệp được xác định là nhân tố trọng tâm, đóng vai trò quan trọng.
Nhận thức rõ điều đó, thời gian qua, bên cạnh nhiều giải pháp tổng thể, tỉnh Nam Định đã quan tâm, tạo điều kiện, kết nối, hỗ trợ và có nhiều biện pháp khuyến khích doanh nghiệp tiếp cận và áp dụng mô hình nông nghiệp xanh, phát triển công nghiệp xanh, đầu tư vào năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính… Nhiều doanh nghiệp đã chủ động đổi mới, đẩy mạnh chuyển đổi mô hình theo chiều sâu, gắn với phát triển bền vững, thân thiện với môi trường.
Bà Hà Lan Anh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định chia sẻ về chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp phát triển kinh tế xanh tại địa phương. |
Tỉnh Nam Định cũng tích cực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, cải cách hành chính nhằm nâng cao thu hút đầu tư tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
“Tỉnh Nam Định xác định và nhận thức sâu sắc tăng trưởng xanh là một phương thức quan trọng nhằm giữ vững và tạo đà tăng trưởng bền vững cho hiện tại và trong tương lai. Nhất là trong điều kiện Nam Định đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu và tình trạng nước biển dâng”, bà Lan Anh nhấn mạnh.
CÁC DOANH NGHIỆP VIỆT NAM ĐANG ĐỨNG TRƯỚC THỜI CƠ LỚN
Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Vinh, Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch VCCI, Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam khẳng định: Hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước những cơ hội lớn để “phát triển xanh”.
Cụ thể, Phó Chủ tịch VCCI cho rằng, hiện nay, hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến kinh tế xanh đã, đang được xây dựng, hoàn thiện. Công tác hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh xanh, bền vững đã được các cơ quan, tổ chức đẩy mạnh. Các mô hình kinh doanh xanh, bền vững đã được chia sẻ, dần được lan tỏa trong cộng đồng doanh nghiệp… Ngoài ra, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ cũng chính là yếu tố hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp thực hiện kinh tế xanh.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch VCCI, Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam khẳng định: Hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước những cơ hội lớn để “phát triển xanh”. |
“Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp trong nước đã và đang lấy kinh doanh xanh là chiến lược và lợi thế cạnh tranh cho mình. Từ việc sử dụng nguyên liệu thân thiện môi trường, ủng hộ các hoạt động trách nhiệm xã hội xanh, đến đầu tư nghiêm túc vào những dây chuyền sản xuất giảm thiểu chất thải và khí thải. Việc phát huy vai trò của doanh nghiệp sẽ thúc đẩy Việt Nam sớm đạt được những mục tiêu về tăng trưởng xanh, bền vững”, ông Vinh nói.
Riêng đối với các doanh nghiệp dệt may, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam đưa ra quan điểm xanh hóa ngành dệt may sẽ tạo ra rất nhiều cơ hội việc làm xanh, bền vững cho người lao động, góp phần ổn định đời sống, nâng cao chất lượng làm việc, đóng góp vào công tác an sinh xã hội quốc gia.
Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam đưa ra quan điểm xanh hóa ngành dệt may sẽ tạo ra rất nhiều cơ hội việc làm xanh, bền vững cho người lao động, góp phần ổn định đời sống, nâng cao chất lượng làm việc, đóng góp vào công tác an sinh xã hội quốc gia. |
Thực tế, ngành dệt may trong nước cũng đứng trước nhiều cơ hội để “chuyển mình” theo hướng xanh hóa khi sự dịch chuyển chuỗi cung ứng đang hướng về Việt Nam; hệ thống pháp luật, chính sách tương đối hoàn thiện theo chuẩn quốc tế…
“Xu hướng sản xuất dệt may xanh sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam đón được các đơn hàng ổn định với hiệu quả tốt trong tương lai”, ông Trường nhấn mạnh.
Bổ sung thêm, ông Nguyễn Quang Vinh thẳng thắn khi cho rằng, bên cạnh thời cơ, doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với không ít thách thức như áp lực thay đổi tư duy, bài toán về thiết kế, đầu tư lại mô hình/trang thiết bị sản xuất, đào tạo nhân lực, thuê tư vấn triển khai…
“Với hơn 97% là các doanh nghiệp nhỏ và vừa có nguồn lực hạn chế thì doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối diện với những thách thức không nhỏ về tài chính khi muốn theo đuổi con đường kinh tế xanh”, ông Vinh nói.
Bên cạnh vấn đề nội tại doanh nghiệp, sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương được giao thực hiện tăng trưởng xanh đôi lúc còn chưa đồng bộ, hiệu quả cũng dẫn đến những khó khăn nhất định đối với doanh nghiệp; nguồn lực đầu tư cho kinh tế xanh, tăng trưởng xanh còn hạn chế, chưa khơi thông được nguồn lực từ phía doanh nghiệp. Tài chính xanh, tín dụng xanh đang trong giai đoạn hình thành tại Việt Nam, dư nợ của tín dụng xanh trong tổng dư nợ tại các ngân hàng thương mại đang ở con số khiêm tốn…
CẦN HOÀN THIỆN KHUNG CHÍNH SÁCH CHO TĂNG TRƯỞNG XANH
Chia sẻ một số giải pháp nhằm thúc đẩy tài chính xanh tại Việt Nam, ông Phan Đức Tú, Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng BIDV Việt Nam cho rằng, trước hết, Việt Nam cần xây dựng chiến lược tổng thể để phát triển thị trường tài chính xanh một cách hài hòa, hiệu quả giữa các kênh dẫn vốn, gắn với các định hướng, mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Việt Nam cũng cần hoàn thiện khung chính sách cho phát triển thị trường tài chính xanh. Các chính sách liên quan đến thị trường tài chính xanh cần sớm được ban hành cụ thể song song hoặc lồng ghép với những chính sách về tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng và ứng phó với biến đổi khí hậu. Song song, cần có các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ về thuế, phí, lãi suất… khi địa phương, doanh nghiệp chuyển đổi xanh.
Ông Phan Đức Tú, Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng BIDV Việt Nam trình bày tham luận tại hội thảo. |
Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV Việt Nam cũng nhận định, cần có cơ chế, chính sách để thu hút nguồn vốn (cả Nhà nước và tư nhân) cho đầu tư xanh bằng cách ban hành các chính sách miễn giảm thuế, phí, lệ phí, lãi suất và hỗ trợ các chi phí liên quan đến phát hành trái phiếu xanh, cung cấp tín dụng xanh; đơn giản hóa thủ tục hành chính trong quá trình phát hành trái phiếu xanh, cấp tín dụng xanh như nêu trên. Nghiên cứu thành lập Quỹ phát triển xanh; nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Bảo vệ môi trường, Quỹ khoa học và công nghệ…
Ông Tú đề xuất Chính phủ cần sớm ban hành Quy định phân loại và xác nhận dự án xanh, trong đó, cần có sự tương đồng giữa các tiêu chí xanh của Việt Nam và các tiêu chuẩn quốc tế cùng với các chính sách ưu đãi tương ứng với các mức độ đáp ứng tiêu chí xanh từ thấp đến cao. Khi đó, doanh nghiệp phát hành trái phiếu xanh/bền vững có thể tiếp cận dần với các chính sách ưu đãi cũng như tạo lập được các mục tiêu/động lực để đạt tới sự tăng trưởng bền vững. Đồng thời, trong trường hợp dự án hoặc hạng mục dự án không bảo đảm được tính xanh sau mỗi kỳ đánh giá thì cần khắc phục vi phạm, công bố thông tin về vi phạm, xét duyệt lại sau khi hoàn thiện khắc phục.
Nhà nước cũng cần phải hoàn thiện chính sách, đơn giản hóa thủ tục và khuyến khích các tổ chức trong nước tham gia quá trình xác nhận, chứng nhận khung dự án xanh, trái phiếu xanh và dán nhãn dự án xanh, trái phiếu xanh theo các tiêu chuẩn quốc tế. Đồng thời, xây dựng bộ tài liệu mẫu (công bố thông tin trước phát hành, công bố thông tin định kỳ, báo cáo…) về việc hướng dẫn hoạt động phát hành trái phiếu xanh trong nước và quốc tế, làm cơ sở để các đơn vị tham gia thống nhất thực hiện.
Nhà nước cần phải hoàn thiện chính sách, đơn giản hóa thủ tục và khuyến khích các tổ chức trong nước tham gia quá trình xác nhận, chứng nhận khung dự án xanh, trái phiếu xanh và dán nhãn dự án xanh, trái phiếu xanh theo các tiêu chuẩn quốc tế.
Ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV
Cần quan tâm phát triển thị trường tài chính, nhất là thị trường thị phần doanh nghiệp, thị trường cổ phiếu, quỹ đầu tư, thị trường phái sinh và thị trường tín chỉ carbon.
Chính phủ, các bộ, ngành cần có chính sách, giải pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp và các tổ chức tài chính tiếp cận nguồn tài chính xanh quốc tế, các chương trình đào tạo, trao đổi kinh nghiệm quốc tế về tăng trưởng xanh và tài chính xanh (thông qua tiết giảm quy trình, thủ tục hành chính trong khâu lập, phê duyệt và giải ngân đề án, chương trình; ban hành bộ tiêu chí dự án xanh, công trình xanh và quy trình liên quan một cách kịp thời, dễ hiểu, dễ áp dụng…).
Doanh nghiệp, tổ chức tài chính cần có kế hoạch, chiến lược phát triển xanh, xây dựng văn hóa xanh, đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ nhân lực liên quan, nhất là các bộ phận liên quan đến tài chính xanh, tín dụng xanh, quản lý rủi ro môi trường-xã hội…
Nhìn nhận kinh tế xanh dưới góc độ phát triển công nghiệp phát thải carbon thấp, chuyên gia kinh tế Doãn Công Khánh thẳng thắn chỉ ra thực tế đáng lo ngại khi sự phát triển nhanh hiện nay đang kéo theo nhiều tác động tiêu cực đến môi trường, trong đó có phát thải khí nhà kính từ quá trình công nghiệp (IP).
“Tính riêng trong năm 2014, IP phát thải 38,6 triệu tấn CO2tđ, chiếm 12% tổng lượng phát thải của quốc gia. Nếu Việt Nam chỉ phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao mà không tính đến thay đổi cấu trúc trong nội tại mỗi ngành và cơ cấu ngành kinh tế trong tổng giá trị gia tăng, thì đến năm 2035, Việt Nam có thể sẽ là một trong những nước dẫn đầu về ô nhiễm”, ông Khánh dẫn chứng.
Nhìn nhận kinh tế xanh dưới góc độ phát triển công nghiệp phát thải carbon thấp, chuyên gia kinh tế Doãn Công Khánh thẳng thắn chỉ ra thực tế đáng lo ngại khi sự phát triển nhanh hiện nay đang kéo theo nhiều tác động tiêu cực đến môi trường, trong đó có phát thải khí nhà kính từ quá trình công nghiệp (IP). |
Đề ra giải pháp, chuyên gia kinh tế cho rằng, cần kết hợp hài hòa giữa phát huy nội lực của đất nước với huy động nguồn lực từ bên ngoài cho phát triển; đồng thời phát triển có trọng tâm, trọng điểm trên cơ sở khai thác lợi thế so sánh cảu từng vùng, ngành/lĩnh vực, tạo sự bứt phá tiến kịp trình độ hiện đại và mở rộng liên kết vùng.
Ngoài ra, cũng cần hoạch định và thực thi chính sách theo hướng tăng hiệu quả sử dụng năng lượng cần tập trung vào việc hạn chế thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp thâm dụng năng lượng; khuyến khích theo hướng ưu đãi về thuế khi áp dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng.
Bên cạnh đó, chuyên gia cũng lưu ý, Nhà nước cần hoàn thiện thể chế, chính sách, mô hình phát triển và quản lý khu công nghiệp, cũng như có chính sách ưu đãi về thuế, đất đai và các hình thức hỗ trợ khác.
PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP XANH Ở ĐỊA PHƯƠNG CÒN GẶP KHÓ
Dưới góc độ địa phương, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định cho biết, những năm qua, nông nghiệp Nam Định có bước phát triển ổn định, chuyển dịch tích cực theo hướng sản xuất hàng hóa với quy mô, trình độ, hiệu quả cao hơn. Tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản 5 năm gần đây tăng ổn định từ 2,5-3,0%/năm. Các lĩnh vực sản xuất tập trung theo hướng an toàn, hữu cơ, sản phẩm OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới.
Ngành đã chủ động mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nông nghiệp với các nước có nền nông nghiệp tiên tiến như Nhật Bản, Hàn Quốc và các tổ chức quốc tế như VFD, GCF, WB, ADB,…
Tuy nhiên, đại diện Sở này cũng cho rằng, hiện phát triển sản xuất theo hướng nông nghiệp xanh trên địa bàn tỉnh Nam Định vẫn còn bộc lộ nhiều khó khăn, hạn chế. Quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún; chất lượng và sức cạnh tranh của các sản phẩm nông sản chưa cao; các chính sách khuyến khích sản xuất hàng hóa, chính sách thúc đẩy tích tụ, chính sách về thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; … mặc dù đã có nhưng chưa đồng bộ.
Quang cảnh hội thảo. |
Ngành nông nghiệp tỉnh chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp có tiềm lực tài chính đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nhất là doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao; nhận thức của người dân về phát triển nông nghiệp xanh chưa đầy đủ; trình độ, năng lực tiếp cận khoa học công nghệ còn hạn chế nên quá trình phát triển nông nghiệp xanh còn chậm.
Do đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định rất mong huy động các nguồn lực xã hội, nhất là từ doanh nghiệp thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh. Tăng cường hợp tác quốc tế để kêu gọi hỗ trợ về tài chính và chuyển giao công nghệ nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp xanh, cacbon thấp, an toàn thực phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi nông sản. Có chính sách ưu đãi về vốn, đơn giản hóa thủ tục để tạo điều kiện cho người dân đầu tư mở rộng phát triển sản xuất.
Trong khi đó, ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang cho hay, thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang đã từng bước chuyển đổi mô hình sản xuất đáp ứng tăng trưởng và tiêu dùng xanh, hướng đến nâng cao tính cạnh tranh của nông sản, phát triển công nghệ xử lý và tái sử dụng phụ phẩm, phế thải, ổn định kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người nông dân, bảo vệ các nguồn tài nguyên và hệ sinh thái nông nghiệp…, bảo đảm phát triển nông nghiệp bền vững, góp phần phát triển kinh tế xanh.
Bên cạnh đó, tỉnh Hậu Giang cũng đẩy mạnh các mô hình canh tác theo hướng nông nghiệp xanh, an toàn, bền vững, đạt hiệu quả cao, góp phần nâng cao chất lượng và giá trị nông sản bằng các mô hình như: xây dựng mô hình VietGAP, GlobalGAP trên các loại sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, định hướng sản xuất hữu cơ, sản xuất theo hướng an toàn, bền vững, được cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu.
“Đến nay tỉnh đã xây dựng phát triển các mô hình chứng nhận tiêu chuẩn thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP), mô hình sản xuất nâng cao giá trị nông sản, mô hình tích hợp đa giá trị trong phát triển kinh tế nông nghiệp”, ông Long cho hay.
Ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang chia sẻ tại hội thảo. |
Nhận định về những khó khăn của tỉnh, ông Ngô Minh Long cho rằng, cần phải nâng cao nhận thức của nông dân về sản xuất xanh; có cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp xanh; có chính sách tín dụng vốn đầu tư phù hợp với các hộ gia đình để đầu tư mở rộng quy mô sản xuất.
Ngành nông nghiệp cần tạo đột phá mới bằng hệ thống giải pháp đồng bộ, phát triển nông nghiệp sinh thái theo hướng đa giá trị, đa ngành, lồng ghép các giá trị kinh tế, xã hội, môi trường. Tận dụng tối đa ưu thế tự nhiên của từng vùng cho phát triển nông nghiệp, bảo đảm sự tương tác với môi trường sinh thái.
Cần phải giải quyết vấn đề thị trường cho nông dân trong việc tiêu thụ nông sản hàng hóa, cần tạo dựng các vùng sản xuất chuyên canh, quy mô lớn, được chuẩn hóa với quy trình canh tác chặt chẽ; đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi số để kết nối thông tin giữa sản xuất và tiêu thụ, qua đó truy xuất được nguồn gốc sản phẩm. Đây chính là yếu tố hàng đầu để định vị một nền nông nghiệp xanh.
Phát biểu tổng kết hội thảo, đồng chí Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương khẳng định: Hội thảo đã được tổ chức thành công tốt đẹp. Các đồng chí lãnh đạo, các nhà khoa học, chuyên gia, đại diện cộng đồng doanh nghiệp đã tập trung phân tích, luận giải, làm rõ các nội dung khoa học xoay quanh chủ đề Phát triển kinh tế xanh – Lý luận và thực tiễn.
Phát biểu tổng kết hội thảo, đồng chí Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương khẳng định: Hội thảo đã được tổ chức thành công tốt đẹp. |
Đồng chí khẳng định: Ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học và các đại biểu sẽ cung cấp thêm những luận cứ khoa học hữu ích, góp phần giải quyết những vấn đề đang đặt ra đối với việc phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam hiện nay.
“Nhiều mô hình hay, bài học kinh nghiệm sâu sắc và các giải pháp có giá trị cao đưa ra trong Hội thảo hôm nay sẽ là cơ sở để các cơ quan xây dựng kiến nghị với Đảng và Nhà nước nhằm tiếp tục xây dựng và phát triển nền kinh tế xanh bền vững, hiệu quả và tăng trưởng ở Việt Nam trong thời gian tới, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”, đồng chí Lại Xuân Môn nhấn mạnh.
Nguồn: Báo Nhân dân