Dự thảo Nghị quyết mới xác định vị trí, vai trò quan trọng, động lực của đội ngũ doanh nhân trong thực hiện sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế.
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nhấn mạnh tại Hội nghị Ban Chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9/12/2011 của Bộ Chính trị khoá XI, ngày 14/11.
3 quan điểm mới về vai trò doanh nhân
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho biết, Dự thảo nghị quyết mới có kết cấu gồm 4 phần, với tên gọi đang được đề xuất là “ Nghị quyết của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ thực hiện mục tiêu trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao”.
Cụ thể, phần thứ nhất có nội dung đánh giá tình hình gồm những kết quả đạt được trong xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân thời gian qua. Những hạn chế, bất cập và các nguyên nhân, đồng thời nêu bối cảnh mới đặt ra yêu cầu đối với việc xây dựng và phát huy hơn nữa vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam xứng tầm, góp phần thực hiện mục tiêu đề ra.
Trong đó có các bối cảnh như thế giới có nhiều biến động lớn khó lường, chưa có tiền lệ, tác động sâu sắc toàn diện, thay đổi địa chính trị xung đột vũ trang, cách mạng công nghiệp 4.0. Thế và lực của đất nước sau 35 năm đổi mới đã lớn mạnh cả về quy mô, sức cạnh tranh, uy tín, vị thế của Việt Nam ngày càng được củng cố.
Tầm nhìn và mục tiêu phát triển đất nước đã được điều chỉnh. Khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc đã được khơi dậy trong toàn xã hội, nhất là trong đội ngũ doanh nhân.
Số lượng, chất lượng, cơ cấu, xu thế phát triển của doanh nghiệp, doanh nhân đã có sự thay đổi lớn. nhiều nghị quyết mới của Đảng có tác động mạnh đến sự phát triển của doanh nhân, doanh nghiệp.
Trong phần thứ hai của nghị quyết nêu quan điểm và mục tiêu. Về quan điểm, dự thảo đưa ra 3 quan điểm trên cơ sở kế thừa 3 quan điểm của Nghị quyết 09, trong đó có nội dung phát triển mới.
Thứ nhất, xác định rõ vị trí, vai trò quan trọng và là động lực của đội ngũ doanh nhân trong thực hiện sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế.
“Điểm mới ở đây là đưa quan điểm đội ngũ doanh nhân là động lực trong thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Trước đây chỉ nói chung chung là có vai trò quan trọng”, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nói.
Thứ hai, đưa ra những yêu cầu mới về phẩm chất của đội ngũ doanh nhân cần hướng tới, đó là có trí tuệ, năng động, sáng tạo, đạo đức và văn hoá kinh doanh, có khát vọng xây dựng và phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
“Nội dung mới ở đây là nêu ra những yêu cầu về trí tuệ, năng động, sáng tạo, văn hoá đạo đức kinh doanh và khát vọng xây dựng phát triển đất nước”, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công bày tỏ.
Thứ ba, điều kiện phát triển đội ngũ doanh nhân gắn với quá trình hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch, công bằng, an ninh, an toàn, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường liên kết, hợp tác, đoàn kết trong đội ngũ doanh nhân và giữa doanh nhân với công nhân, nông dân, đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng.
“Ở đây cũng có những điểm mới, trong đó có môi trường kinh doanh đã đưa thêm khái niệm an ninh, an toàn. An ninh cho đất nước, an toàn cho đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp cũng là một yêu cầu mới. Bên cạnh đó cũng đặt ra yêu cầu sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó có xây dựng, liên kết hợp tác ngay trong đội ngũ doanh nhân”, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công khẳng định.
Qua tổng kết chúng ta phát hiện đây là điểm yếu của giới doanh nhân trong giai đoạn vừa qua, đó là liên kết hợp tác giữa giới doanh nhân với nhau. Liên kết hợp tác giữa giới doanh nhân với công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đây là khối đại đoàn kết toàn dân của Việt Nam.
Về mục tiêu, dự thảo đã đưa ra các mục tiêu định tính và định lượng. Cụ thể, xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có trí tuệ, năng lực quản lý, năng động sáng tạo, có tinh thần dân tộc, trách nhiệm xã hội, đạo đức và văn hoá kinh doanh, có khát vọng xây dựng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, thực hiện tốt vai trò động lực quan trọng để phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ và mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Mục tiêu đầu tiên này gắn với quan điểm rất rõ, đó là đội ngũ doanh nhân là động lực trong thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Phát triển đội ngũ doanh nhân đáp ứng yêu cầu đến năm 2030 có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp. tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới, sáng tạo đạt tối thiểu 40% trong tổng số doanh nghiệp.
Có nhiều doanh nhân, doanh nghiệp đạt tầm khu vực và thế giới, tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu. phân đấu nâng cao thứ hạng của Việt Nam về chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu đến năm 2030 nằm trong top 40 quốc gia hàng đầu thế giới…
Những chỉ tiêu định lượng này cũng lấy theo nghị quyết gần đây nhất của Chính phủ về phát triển đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam.
8 nhiệm vụ cho tương lai
Nghị quyết nêu ngoài việc tiếp tục triển khai những nhiệm vụ trong Nghị quyết 09 còn nguyên giá trị, thì đã cập nhật bổ sung thêm những nhiệm vụ mới. Và kết cấu thành 8 nhiệm vụ cụ thể.
Một là, thống nhất nhận thức về vai trò, vị trí của đội ngũ doanh nhân trong thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển thu nhập cao.
Hai là, tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch, bình đẳng, an ninh, an toàn cho doanh nhân và doanh nghiệp phát triển.
Ba là, xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nhân ngang tầm mục tiêu phát triển của đất nước.
Bốn là, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng về tư tưởng chính trị, pháp luật, kinh tế và năng lực quản trị theo chuẩn mực quốc tế.
Năm là, xây dựng đề cao đạo đức doanh nhân, văn hoá kinh doanh Việt Nam. Phát huy tinh thần dân tộc, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Sáu là, tăng cường hợp tác, liên kết giữa doanh nhân với công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Bảy là, nâng cao vai trò của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các tổ chức đại diện cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân.
Tám là, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của nhà nước trong xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân.
Các nội dung xin ý kiến Ban Chỉ đạo
Thứ nhất, trình Bộ Chính trị ban hành nghị quyết, báo cáo đề án đã cho thấy Nghị quyết 09 đã thực sự đi vào cuộc sống, góp phần giúp đội ngũ doanh nhân Việt Nam không ngừng phát triển, đóng góp ngày càng nhiều vào sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Nhiều quan điểm, nhiệm vụ của Nghị quyết 09 đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Tuy nhiên, với bối cảnh trong nước và quốc tế đã có nhiều yếu tố mới, tác động mạnh đến sự phát triển của đội ngũ doanh nhân.
Đặc biệt, Đảng đã xác định tầm nhìn, mục tiêu cho sự phát triển đất nước trong giai đoạn tới, để góp phần thực hiện tầm nhìn mục tiêu này cần phải xây dựng và phát huy hơn nữa vai trò của đội ngũ doanh nhân với những quan điểm và nhiệm vụ giải pháp mới.
Chính vì vậy, Tổ Biên tập đã dự thảo nghị quyết mới để báo cáo Ban Chỉ đạo và đề xuất trình với Bộ Chính trị cho ý kiến.
Thứ hai, về tên gọi của nghị quyết mới, Tổ Biên tập đưa ra hai phương án.
Phương án 1, xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doann nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.
Phương án 2, xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ thực hiện mục tiêu trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao.
Với phương án 1 thể hiện tính khái quát, ngắn gọn, bao quát được các mục tiêu trước mắt và lâu dài. Phương án 2 thì gắn trực tiếp với mục tiêu của đất nước đến năm 2045. Tổ Biên tập đề xuất chọn phương án 2. Vì tương đương với Nghị quyết 09 là gắn với giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.
Thứ ba, về một số nội dung còn có ý kiến khác, xin báo cáo Ban Chỉ đạo như sau.
Có ý kiến để nghị thay cụm từ “động lực” trong quan điểm đội ngũ doanh nhân có vị trí, vai trò quan trọng, là động lực trong sự nghiệp xây dựng công nghiệp hoá, hiện đại hoá bằng cụm từ là “lực lượng nòng cốt”.
Tổ Biên tập đề nghị giữ nguyên như hiện tại là cụm từ “động lực”, vì khái niệm “động lực” cũng đã được sử dụng để nói về vai trò của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế, và với đội ngũ doanh nhân của chúng ta giai đoạn sắp tới thì thành phần chủ yếu sẽ là lực lượng doanh nhân tư nhân.
Văn kiện của Đảng cũng xác định vai trò động lực của đội ngũ này, như vậy chúng nên giữ nguyên khái niệm này để đưa vào trong nghị quyết mới.
Thứ tư, về mục tiêu, vấn đề đặt ra các mục tiêu đưa ra trong nghị quyết có đảm bảo tính đầy đủ, khả thi và đo lường được không?
Có ý kiến đề xuất thêm các tiêu chí định lượng về tăng năng suất lao động của khu vực doanh nghiệp, về tỉ lệ đóng góp của khu vực doanh nghiệp vào GDP, tạo việc làm và kim ngạch xuất nhập khẩu, số lượng hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp.
Có ý kiến cũng đề xuất thêm các tiêu chí định lượng liên quan trực tiếp đến đội ngũ doanh nhân, tránh dùng các tiêu chí gián tiếp về doang nghiệp. Trong quá trình xây dựng dự thảo nghị quyết, Tổ Biên tập đã rà soát hết các văn kiện nghị quyết có liên quan.
Tuy nhiên, hiện các tiêu chí định lượng về đội ngũ doanh nhân thì rất ít. Do đó, Tổ Biên tập có sự dụng một số tiêu chí cụ thể thể hiện sự phát triển của đội ngũ doanh nhân gián tiếp thông qua tiêu chí về sự phát triển của đội ngũ doanh nghiệp đến năm 2030 như dự thảo hiện nay.
Ngoài ra, một số tiêu chí khác về doanh nghiệp như đóng góp GDP, tạo việc làm kim ngạch xuất nhập khẩu… thì cũng chỉ mới có đến năm 2025. Như vậy, chỉ còn 3 năm là kết thúc. Do đó, Tổ Biên tập đề xuất không bổ sung tiêu chí này vào trong nghị quyết.
Thứ năm, về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu có ý kiến đề nghị bỏ việc ban hành chiến lược riêng về phát triển đội ngũ doanh nhân của quốc gia, ngành và địa phương như trong dự thảo đã nêu.
Tổ Biên tập đề xuất giữ nguyên như dự thảo, vì xây dựng chiến lược phát triển đội ngũ doanh nhân là nhiệm vụ đã được nêu trong nghị quyết 09.
Tuy nhiên, quá trình tổng kết cho thấy chưa triển khai thực hiện, như trong nhiệm vụ số 7 của Nghị quyết 09 thì ngay câu đầu tiên của nhiệm vụ số 7 là có yêu cầu các cấp uỷ đảng thường xuyên quan tâm xây dựng, phát triển đội ngũ doanh nhân, chỉ đạo triển khai thực hiện chiến lược phát triển đội ngũ doanh nhân.
Nhưng qua khảo sát thì không có một tỉnh, thành nào có xây dựng và ban hành chiến lược này. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng cho nên Tổ Biên tập đề xuất vẫn bảo lưu giữ nguyên nhiệm vụ này và viết rõ sâu sắc hơn trong nghị quyết mới, để tránh tình trạng phát triển tự phát, không có chiến lược, kế hoạch như trong giai đoạn vừa qua. Như vậy, đây là cách để chúng ta khắc phục trong giai đoạn tới.
Thứ sáu, về tổ chức thực hiện, có ý kiến đề nghị bổ sung một mục về trách nhiệm của Đảng, đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lãnh đạo, chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc tăng cường tập hợp, động viên, tôn vinh doanh nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp phát triển kinh tế-xã hội, giám sát phản biện xã hội về thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về xây dựng đội ngũ doanh nhân.
Có ý kiến đề nghị rà soát, cân nhắc thay thế việc giao Ban Cán sự Đảng, Chính phủ xây dựng kế hoạch phát triển doanh nghiệp, doanh nhân bằng việc giao Ban Cán sự Đảng, Chính phủ xây dựng chương trình hành động tổ chức thực hiện nghị quyết. trong đó, giao trách nhiệm cho các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện đảm bảo hiệu quả.
Tổ Biên tập đề xuất tiếp thu ý kiến liên quan phân công tổ chức thực hiện đối với Mặt trận Tổ quốc, nhưng giữ nguyên nội dung Ban Cán sự Đảng, Chính phủ như trong dự thảo, việc giao Ban Cán sự Đảng, Chính phủ cũng như các tỉnh, thành uỷ Đảng đoàn, Ban Cán sự Đảng của trung ương xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện nghị quyết đã được giao chung ở mục 4 điểm 1 trong dự thảo nghị quyết, với vai trò quan trọng trong điều hành các chính sách, Tổ Biên tập muốn nhấn mạnh thêm trách nhiệm của Ban Cán sự Đảng, Chính phủ cùng với Đảng đoàn Quốc hội gắn với chức năng của Chính phủ trong việc thực hiện nghị quyết tương tự như trong Nghị quyết 09.
Nguồn: Diễn đàn Doanh nghiệp