Lấy cảng Cái Mép – Thị Vải làm động lực để hình thành chiến lược phát triển vùng Đông Nam Bộ tiến ra Biển Đông.
Đây không chỉ là sự kế thừa tư duy “mở cõi”, mà còn nhằm kết nối với các quốc gia trên thế giới.
Đó là khuyến nghị của các chuyên gia, doanh nghiệp nhằm phát triển kinh tế vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030 và tầm nhìn 2050.
Động lực thúc đẩy
Theo ông Bùi Văn Quỳ – Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn, trong định hướng phát triển cảng biển và lấy cảng Cái Mép – Thị Vải làm động lực thúc đẩy, liên kết để Đông Nam Bộ phát triển, tiến ra Biển Đông trong lúc này là hết sức cần thiết. Bởi, trên thực tế, việc liên kết các cảng lại với nhau đã và đang đạt được nhiều kết quả cao trong khai thác. Và việc Công ty Tân cảng Cái Mép – Thị Vải liên kết với cảng Quốc tế Cái Mép mang lại hiệu quả nhất định được xem là một ví dụ điển hình.
Cũng theo ông Bùi Văn Quỳ, nếu như trước đây, mỗi cảng với diện tích cầu cảng 600m chỉ đón được một tàu và sà lan, thì việc kết nối tạo thành cầu cảng dài 1.200m đã nâng công suất hai cảng có thể đón cùng lúc 3 tàu lớn, giúp tăng thêm từ 30 – 40% công suất của hai cảng, tương đường 900.000 teus/năm.
“Để hiện thực hoá chiến lược phát triển tiến ra Biển Đông của vùng Đông Nam Bộ, chúng tôi đề nghị tất cả các cảng nằm trong khu vực Cái Mép – Thị Vải sẽ liên kết với nhau để trở thành một hệ thống giám sát chung, và hàng hoá có thể qua lại với nhau, đồng thời phải có sự giám sát thông minh của hệ thống hải quan. Bên cạnh đó, các nhà khai thác cảng phải có trách nhiệm về an ninh, an toàn hàng hoá cho khách hàng để đảm bảo tàu hàng khai thác với nhau thuận tiện nhất”, ông Bùi Văn Quỳ nhấn mạnh.
Với tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng như hàng hoá xuất nhập khẩu dự tính tăng tại khu vực này gần 15%/năm, thì trong 5 năm tới khu vực cảng Cái Mép – Thị Vải sẽ không còn chỗ để đón những tuyến dịch vụ mới. Đây là một trong những vẫn đề mà các nhà đầu tư đang mong mỏi có những dự án mới ra đời để đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Song, nếu đầu tư thì nhanh cũng phải mất 3 – 4 năm nữa mới có cảng mới ra đời. Vì vậy, cần nâng cấp cảng cũ, nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, nâng cấp phần mềm, chuyển đổi số để có sự quản lý cảng thông minh hơn.
Đảm bảo phối hợp liên vùng
Bên cạnh đó, để phát triển cụm cảng Cái Mép – Thị Vải, nhiều chuyên gia cho rằng cần bổ sung nghiên cứu chi tiết về thị trường vận tải toàn cầu, thị phần vận tải của từng hãng tàu trên thế giới và các cảng biển đã được các hãng tàu lựa chọn làm bản doanh trung chuyển, phân phối hàng hóa. Ngoài ra, cần nghiên cứu, đề xuất giải pháp tăng cường điều phối vĩ mô để đảm bảo phối hợp liên vùng, liên ngành trong phát triển cảng biển nói chung và cảng trung chuyển quốc tế nói riêng.
Ông Hoàng Hồng Giang – Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, cho rằng: Có thể nói, cụm cảng Cái Mép – Thị Vải đang có lượng hàng hoá ra vào rất lớn trong vòng 10 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm tăng trưởng khoảng 24%. Bên cạnh đó, hàng hoá xuất nhập khẩu của Việt Nam cũng tăng trưởng mỗi năm 12% trong nhiều năm liền. Và nếu lấy đây là con số để so sánh với các nước thì Việt Nam đang tăng trưởng rất cao, và đây cũng chính là điều khiến các bạn quốc tế rất ngạc nhiên với những con số này.
“Chúng ta đã triển khai các hiệp định thương mại tự do với nhiều quốc gia trên thế giới. Và việc chúng ta đang dần trở thành một đất nước sản xuất cho thế giới, nên hàng hoá nhiều, tăng trưởng là đương nhiên. Tuy nhiên, bên cạnh việc đầu tư thì phải hết sức theo sát tiến trình đầu tư cũng như tiến trình khai thác. Bởi, một số chính sách của các quốc gia đang ưu tiên cho các doanh nghiệp xây dựng cảng biển. Vì vậy, nếu chính sách của chúng ta quá lâu, trong khi chính sách của các nước khác nhanh hơn thì đương nhiên các nước bạn đi nhanh hơn chúng ta”, ông Hoàng Hồng Giang lưu ý.
Liên quan tới phát triển hạ tầng giao thông kết nối để làm nền tảng, động lực để Đông Nam Bộ tiến ra Biển Đông, TS Phạm Hoài Trung – Phó Viện trưởng, Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông Vận tải (GTVT) – Bộ GTVT, cho rằng trong các quy hoạch về giao thông kết nối đến vùng có cảng biển, đặc biệt là Bà Rịa – Vũng Tàu hiện nay cũng đã được Bộ GTVT thực hiện. Do đó, điều kiện giao thông kết nối đã và đang là cơ hội thuận tiện nhất để chúng ta đầu tư hạ tầng đồng bộ.
Đặc biệt, chúng ta đang đầu tư một số hạ tầng giao thông quốc gia trọng điểm nằm trong vùng như Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, tuyến cao tốc Biên Hoà – Vũng Tàu và một loạt các tuyến cao tốc đang hoàn thiện đưa vào khai thác. Vì vậy, đây chính là cơ hội tốt để các vùng, các địa phương tăng cường kết nối, phát triển cảng Bà Rịa – Vũng Tàu, cảng Cái Mép – Thị Vải trở thành cảng trung chuyển quốc tế tầm cỡ khu vực và thế giới, góp phần làm động lực thúc đẩy cho Đông Nam Bộ phát triển hướng ra Biển Đông.
Nguồn: Diễn đàn Doanh nghiệp