Những lưu ý cho doanh nghiệp xuất khẩu nông, thuỷ sản sang Trung Quốc

Một số mặt hàng, đặc biệt là nông, thuỷ sản của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc vẫn tăng trưởng cao. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần lưu ý một số vấn đề khi xuất khẩu sang thị trường này.

Ông Nông Đức Lai, Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc cho biết kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Trung Quốc với Việt Nam trong tháng 6/2022 đạt 20,2 tỷ USD, giảm 3,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 110,5 tỷ USD, giảm 1,4% so với cùng kỳ năm ngoái.


 

Nông sản Việt Nam tại cửa khẩu xuất đi Trung Quốc. Ảnh: Bình Phương

Thay đổi tích cực từ chính sách

Nguyên nhân chủ yếu của sự sụt giảm kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc là do chính sách thắt chặt các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 của Trung Quốc, trong đó có việc tạm dừng hoặc đóng nhiều cửa khẩu, lối mở biên giới do sự xuất hiện các ca nhiễm và phát hiện virus SARS-COV-2  trên bao bì hàng hoá nông sản đông lạnh.

Ngoài ra, do nhu cầu tiêu dùng nội địa của Trung Quốc liên tục giảm mạnh từ đầu năm đến nay, nhiều nhà máy phải tạm dừng hoạt động hoặc hạn chế sản xuất.

Tuy nhiên, theo ông Nông Đức Lai, một số nhóm mặt hàng, đặc biệt là nhóm hàng nông sản, thuỷ sản của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc vẫn ghi nhận mức tăng cao.

Cụ thể, nhóm sản phẩm cá, động vật giáp xác và thuỷ sinh với kim ngạch xuất khẩu đạt 844 triệu USD, tăng 148,2%. Trong đó, cá basa đông lạnh chiếm khoảng 72% từ phía nhập, nhóm hàng này ghi nhận tăng 66,7% so với cùng kỳ. Riêng tháng 6/2022 đạt 4.965 tấn, tăng 16,2% với kim ngạch 11,4 triệu USD, tăng 60,5%.

Nhóm sản phẩm trái cây có kim ngạch xuất khẩu đạt 910 triệu USD, tăng 53,4%. Trong đó, riêng trái thanh long đạt 377 triệu USD, tăng 23,6%; khối lượng xuất khẩu đạt 415,6 nghìn tấn, tăng 25,1%.

Nhằm thúc đẩy phục hồi kinh tế, thời gian vừa qua Trung Quốc đã đưa ra nhiều biện pháp, chính sách nhằm hạn chế dấu hiệu đi xuống của nền kinh tế, cũng như hạn chế lạm phát, thúc đẩy nhu cầu nội địa và nới lỏng chính sách tài khoá.

Trong tháng 3/2022 Trung Quốc đã ban hành quy định thúc đẩy công tác xây dựng thị trường thống nhất. Đến cuối tháng 5/2022, quốc gia này tiếp tục ban hành tổng hợp các biện pháp, chính sách ổn định kinh tế, gồm 33 biện pháp trên 6 lĩnh vực.

Về hoạt động xuất nhập khẩu, vừa qua cơ quan hải quan Trung Quốc đã ban hành thông báo số 58/2022 về việc tiếp tục tiêu thụ và hoàn thiện công tác phòng chống dịch đối với thực phẩm đông lạnh nhập khẩu tại các cửa khẩu. Theo thông báo này, cơ quan hải quan Trung Quốc tập trung vào kiểm soát đầu nguồn. Đồng thời, thông báo này không nhắc đến việc tạm dừng nhập khẩu đối với các doanh nghiệp có hàng hoá cho kết quả dương tính với COVID-19.

“Những thay đổi này là tín hiệu tốt cho các doanh nghiệp cung ứng, xuất khẩu hàng hoá đông lạnh tươi sống sang thị trường Trung Quốc, trong đó có Việt Nam”, ông Lai chia sẻ.

Ngoài ra, trong tháng 7/2022 Cục Hải quan Trung Quốc đã có văn bản cho phép nhập khẩu thí điểm chanh leo của Việt Nam tại một số cửa khẩu đường bộ biên giới thuộc tỉnh Quảng Tây, và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam với Tổng Cục Hải quan Trung Quốc đã ký Nghị định thư về kiểm dịch thực vật đối với sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, mở cửa thị trường cho 2 loại trái cây của Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này.

Việc ký Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng và những thay đổi trong quản lý nhập khẩu đối với sản phẩm đông lạnh nói trên đã tiếp tục tạo đà và cơ hội cho các sản phẩm thuỷ sản, trái cây của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc từ nay đến cuối năm 2022.

Tuy nhiên, theo ông Lai, Trung Quốc một mặt nới lỏng chính sách đối với hàng hoá đông lạnh nhập khẩu, nhưng mặt khác cũng siết chặt các hoạt động quản lý thực phẩm nhập khẩu. Cụ thể, Trung Quốc tập trung vào công tác an toàn thực phẩm đầu nguồn của nước xuất khẩu. Trong trường hợp, doanh nghiệp chưa kiểm soát tốt công tác phòng chống dịch tại nơi sản xuất, dẫn đến không đáp ứng các yêu cầu từ phía Trung Quốc thì vẫn có thể bị tạm dừng xuất khẩu, thậm chí bị huỷ tư cách xuất khẩu sang thị trường này.

Đặc biệt, Trung Quốc vẫn áp dụng các chính sách, biện pháp hạn chế nhập cảnh đối với người nước ngoài, điều này đã gây khó khăn nhất định cho công tác xúc tiến thương mại của các cơ quan chức năng, cũng như hoạt động giao thương mở rộng thị trường, tìm kiếm đối tác của các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp.

Khuyến cáo cho doanh nghiệp

Chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp trong nước, Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc luôn cố gắng cung cấp và cập nhật thông tin về chính sách, thị trường cũng như làm cầu nối giới thiệu với các nhà nhập khẩu nước sở tại tới các doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời giới thiệu quảng bá sản phẩm hàng hoá Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp Trung Quốc.

Xuất khẩu trái thanh long sang Trung Quốc trong tháng 6 đạt 377 triệu USD, tăng 23,6%

Ông Nông Đức Lai cho rằng, đối với các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thực phẩm, đông lạnh tươi sống cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế cũng như hướng dẫn của Farm WHO và những quy định của Trung Quốc nhằm hạn chế tối đa khả năng các mặt hàng đông lạnh, tươi sống xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc bị phát hiện dương tính với virus SARS-CoV 2. Trong trường hợp các lô hàng bị phát hiện với vius này, doanh nghiệp cần tìm hiểu, điều tra nguyên nhân, có biện pháp khắc phục và chuẩn bị sẵn sàng phối hợp với các cơ quan chức năng trong nước cùng tham gia công tác kiểm tra trực tuyến theo đúng thời hạn yêu cầu của phía Trung Quốc.

“Đối với các loại trái cây mới được phép xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, trong thời gian chờ phía Trung Quốc phê duyệt cấp mã xuất khẩu cho doanh nghiệp, đề nghị các doanh nghiệp sản xuất cũng như đóng gói tiếp tục nắm vững các quy định yêu cầu đối với cơ sở đóng gói, kiểm dịch của nước nhập khẩu”, ông Lai nhấn mạnh.

Đơn cử, như quả chanh leo hiện nay Trung Quốc mới chỉ cho nhập khẩu thí điểm qua 7 cửa khẩu đường bộ biên giới tại tỉnh Quảng Tây phục vụ chế biến tại chỗ. Do đó, doanh nghiệp trong nước cần lưu ý tránh xuất khẩu qua các cửa khẩu khác.

Ngoài ra, các địa phương có vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến và quản lý giám sát việc tuân thủ các quy định theo yêu cầu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và phía Trung Quốc đối với doanh nghiệp sản xuất, chế biến sầu riêng tại địa phương.

Ngoài các hội nghị giao thương đã được các đơn vị thuộc Bộ Công Thương tổ chức vừa qua, ông Lai đề nghị các cơ quan xúc tiến thương mại địa phương, hiệp hội ngành hàng làm đầu mối tập hợp danh sách các doanh nghiệp có nhu cầu giao thương tìm kiếm đối tác với thị trường Trung Quốc gửi cho Thương vụ và chi nhánh Thương vụ tại các địa phương giới thiệu về doanh nghiệp và các sản phẩm mẫu để Thương vụ hỗ trợ doanh nghiệp kết nối với đối tác Trung Quốc.

Nguồn: Diễn đàn Doanh nghiệp

Liên quan bài viết

Bài tiếp

NÊN XEM