Theo ông Nguyễn Hữu Nam – Phó giám đốc VCCI-HCM, VCCI đang cấp C/O cho các mặt hàng xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ căn cứ vào các quy định của Việt Nam.
Liên quan đến việc Bộ Thương mại Mỹ (DOC) khởi xướng điều tra về gian lận xuất xứ hàng hóa đối với sản phẩm tủ bếp của Việt Nam, ông Nguyễn Hữu Nam – Phó Giám đốc Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại TP.HCM (VCCI-HCM) đã có những chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp xung quanh việc cấp C/O cho các mặt hàng xuất khẩu sang thị trường này.
Theo ông Nguyễn Hữu Nam, phía Hoa Kỳ chỉ coi Chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) là một loại chứng từ tham thảo. Do đó, họ không bắt buộc trong hồ sơ khi nhập phải có C/O. Mặc dù vậy, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Hoa Kỳ có đề nghị cấp C/O nhưng một số doanh nghiệp không gửi C/O bản gốc kèm với hồ sơ hàng hóa khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ, một trong những lý do là doanh nghiệp chỉ cần nộp bản scan cho khách hoặc cần C/O để chứng minh hàng có xuất xứ Việt Nam khi làm việc với các cơ quan hữu quan gồm cơ quan kiểm tra sau thông quan có nội dung xuất xứ. Ông cũng cho rằng, quy định xuất xứ có hai mục đích chính, mục tiêu đầu tiên là để xác định nguồn gốc xuất xứ hàng hóa từ một quốc gia này đến quốc gia khác; mục tiêu thứ hai là để thiết lập biện pháp và là công cụ của chính sách thương mại.
– Là cơ quan duy nhất được Bộ Công Thương ủy quyền cấp C/O không ưu đãi và C/O form A hưởng ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP). Đối với các mặt hàng xuất khẩu sang Hoa Kỳ, VCCI đang cấp C/O theo các quy định của Hoa Kỳ hay của Việt Nam, thưa ông?
Hiện nay, VCCI-HCM đang cấp C/O cho các mặt hàng xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ căn cứ vào các quy định của Việt Nam chứ không căn cứ vào các quy định của Hoa Kỳ. Tức là, chúng ta phải tôn trọng và tuân thủ các quy định của mình trước. Còn việc các quy định của Hoa Kỳ có thể lệch so với các quy định của Việt Nam thì phạm trù giải quyết thuộc về Cơ quan quản lý Nhà nước về xuất xứ là Bộ Công Thương.
Nếu Bộ Công Thương chưa đưa ra quy định nào khác thì đơn vị cấp C/O buộc phải tuân thủ đầy đủ theo các quy định của Việt Nam tại Nghị định 31/2018/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2018 và Thông tư hướng dẫn số 05/2018/TT-BCT ngày 03/4/2018 của Bộ Công Thương.
Tuy nhiên, trong quá trình cấp C/O cho các doanh nghiệp, VCCI-HCM cũng coi thị trường Hoa Kỳ là thị trường nhạy cảm, rủi ro nhiều nguy cơ gian lận xuất xứ nên việc cấp C/O cho hàng hóa xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ được kiểm soát chặt chẽ hơn, nhưng việc kiểm soát chặt này cũng không có nghĩa là phải đáp ứng các quy định cũng như những yêu cầu của phía Hoa Kỳ, mà vẫn phải tuân thủ theo các quy định của Việt Nam trên cơ sở có sự hài hòa giữa yếu tố quản lý nhưng không gấy cản trở thương mại cho cộng đồng doanh nghiệp.
Ngay cả Bộ Công Thương, cơ quan soạn thảo các quy định, nhưng để đưa ra một quyết định thay đổi cũng rất thận trọng. Bởi nếu quy định xuất xứ dễ thì sẽ tạo điều kiện cho thúc đẩy xuất khẩu thông qua xuất xứ nhưng lại không tạo ra giá trị gia tăng tại Việt Nam nhiều và tiềm ẩn rủi ro bị phía nước ngoài như Hoa Kỳ áp dụng các biện pháp điều tra chống bán phá giá, làm ảnh hưởng đến hàng hóa của Việt Nam cũng như các thị trường xuất khẩu, nhưng nếu chặt chẽ quá thì lại không thuận lợi về mặt thương mại như hạn chế xuất khẩu. Do đó, đây là một vấn đề khó, đòi hỏi chúng ta phải cân bằng được cả hai vấn đề.
– Vậy theo ông, chúng ta cần những giải pháp gì nhằm ngăn chặn việc các doanh nghiệp có thể gian lận về xuất xứ hàng hóa trong quá trình cấp C/O?
Theo tôi, giải pháp quan trọng nhất hiện nay, đó chính là các quy định. Nếu quy định không đưa ra sự thay đổi nào thì cũng khó cho các cơ quan cấp C/O như VCCI. Đối với đơn vị cấp C/O, có chăng chỉ có thể khuyến khích các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang Hoa Kỳ tăng hàm lượng giá trị của Việt Nam trong các sản phẩm lên.
Như đã nói ở trên, thị trường Hoa Kỳ là thị trường nhạy cảm, tiềm ẩn nhiều rủi ro gian lận xuất xứ nên việc cấp C/O cho hàng hóa của Việt Nam đến thị trường này được kiểm soát chặt chẽ hơn nhưng vẫn phải đảm bảo không yêu cầu khó hơn theo quy định của Việt Nam.
Đối với VCCI-HCM, do luôn đánh giá thị trường Mỹ là một thị trường “nhạy cảm” và là một thị trường có nhiều cuộc điều tra chống bán phá giá đối với các sản phẩm từ Việt Nam nhiều nhất so với các thị trường khác trên thế giới.
Do đó, không phải đến khi phía Hoa Kỳ khởi xướng điều tra thì việc cấp C/O cho hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này mới được kiểm soát chặt chẽ. VCCI-HCM đã mở riêng một quầy dành riêng cho cho các mặt hàng xuất đi thị trường Hoa Kỳ, nhằm tránh trường hợp có nhiều doanh nghiệp, nhiều mặt hàng nộp hồ sơ cùng lúc sẽ dễ xảy ra nhầm lẫn.
Với quầy riêng này, khi các hồ sơ nộp vào sẽ được hiểu là những hồ sơ “nhạy cảm”, từ đó sẽ có những biện pháp kiểm tra chặt chẽ hơn.
– Theo ông, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải làm gì để tự bảo vệ mình trong “cuộc chiến” về xuất xứ hàng hóa này?
Để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho các nhà xuất khẩu, nhà sản xuất của Việt Nam, theo tôi, điều đầu tiên và cũng là quan trọng nhất là các doanh nghiệp cần phải nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng tại Việt Nam, thông qua việc nhập khẩu hoặc mua các nguồn nguyên liệu gỗ trong nước và thiết kế, sản xuất để tạo ra một sản phẩm hoàn thiện tại Việt Nam, không khuyến khích sử dụng các bán thành phẩm nhập khẩu từ nước ngoài. Đây là giải pháp tốt nhất đối với các doanh nghiệp nếu như muốn bảo vệ mình.
Thứ hai, các doanh nghiệp cũng cần phải chuẩn bị tâm thế bị điều tra. Bởi khi phía Hoa Kỳ đã khởi xướng điều tra thì cho dù là doanh nghiệp Việt Nam hay doanh nghiệp nước ngoài cũng đều sẽ phải trả lời các câu hỏi do phía Hoa Kỳ đặt ra. Các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng bị điều tra cần phải hợp tác chặt chẽ với phía DOC Hoa Kỳ, nếu doanh nghiệp không hợp tác thì tất cả các con đường nhập khẩu vào Mỹ sẽ bị chặn ngay lập tức đối với doanh nghiệp đó.
– Xin cảm ơn ông về những chia sẻ này!
Nguồn: Diễn đàn Doanh nghiệp